Nhiều dự án trong lĩnh vực y tế thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ kết thúc trong năm 2024. Ảnh: Lê Tiên |
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/4/2024, còn nhiều dự án đầu tư công do địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (12,16%), thậm chí là chưa giải ngân. Riêng lĩnh vực y tế, 15 địa phương có dự án chưa giải ngân được đồng vốn nào gồm: Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Bắc Cạn, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hoà Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Đắc Nông, Long An, Bến Tre.
Tại Bắc Giang, cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại thời điểm báo cáo với Bộ Tài chính (30/4/2024), Dự án Đầu tư xây dựng (ĐTXD) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang (186 tỷ đồng) và Dự án ĐTXD mở rộng quy mô giường bệnh Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Sơn Động (120,6 tỷ đồng) đều chưa giải ngân được theo kế hoạch vốn của năm 2024 (lần lượt là 70 tỷ đồng và 50 tỷ đồng). Hai dự án do Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Giang làm Chủ đầu tư. Tuy nhiên, tính đến ngày 24/5/2024, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, Dự án ĐTXD CDC Tỉnh đã giải ngân được 17,156 tỷ đồng; Dự án ĐTXD mở rộng quy mô giường bệnh TTYT huyện Sơn Động giải ngân được 3,477 tỷ đồng. Công tác lựa chọn nhà thầu (LCNT) thực hiện các gói thầu xây lắp chính của 2 dự án đã hoàn thành trong năm 2023.
Tại Nam Định, Dự án Xây dựng Bệnh viện Da liễu tỉnh Nam Định được bố trí gần 40 tỷ đồng trong năm 2024, nhưng đến ngày 30/4/2024 chưa giải ngân được đồng vốn nào. Cán bộ chuyên trách của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định lý giải, Dự án đang thay đổi địa điểm đầu tư, dời từ vị trí cũ có diện tích 1.000 m2 đến vị trí mới có diện tích lớn hơn gấp 10 lần (tối thiểu 1 ha) và đang được tổ chức lấy ý kiến của các ngành. Sự thay đổi này khá phức tạp, vì liên quan đến diện tích giải phóng mặt bằng chủ yếu là đất ruộng, đấu nối hạ tầng giao thông, quy hoạch phân khu… Lãnh đạo UBND Tỉnh vẫn đang đốc thúc tiến độ triển khai cho kịp tiến độ, nhưng để hoàn thành Dự án trong năm nay là một thách thức rất lớn.
Tại Bến Tre, Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre (1.658,036 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng từ ngân sách trung ương) cũng đang gặp nhiều khó khăn trong giải ngân. Tháng 5/2024, UBND Tỉnh vừa phải điều chỉnh kế hoạch LCNT thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng công trình (giá gói thầu 883,168 tỷ đồng) thuộc Dự án vì tổ chức đấu thầu quốc tế không thành công, nhà thầu duy nhất tham dự không đạt yêu cầu về kỹ thuật nên phải huỷ thầu. Theo kế hoạch, Ban Quản lý dự án ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bến Tre (Bên mời thầu) sẽ LCNT lại theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế Gói thầu trong quý II/2024. Theo kế hoạch bố trí vốn của Dự án, năm 2024 phải giải ngân được 20 tỷ đồng.
Nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế vẫn chưa chọn được nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi |
Không chỉ ở các dự án đầu tư công do địa phương quản lý, nhiều dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế cũng đang trong tình trạng chậm tiến độ giải ngân. Trong số 15 dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngoại trừ Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Hữu Nghị đạt tỷ lệ giải ngân 17%, tại Công điện số 02/CĐ-BKHĐT ngày 27/4/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 3 dự án mới đạt 1%, còn lại đa số đều ở mức 0%.
Thực tế, theo kế hoạch LCNT được duyệt, Gói thầu XL01.2024 ĐTXD hệ thống trực tuyến phục vụ đào tạo, chỉ đạo tuyến tư vấn và chuyển giao công nghệ từ xa (2,951 tỷ đồng); Gói thầu XL02.2024 Xây dựng hệ thống xử lý nước thải kiểm soát nhiễm khuẩn phục vụ công tác chuyên môn (6,69 tỷ đồng)… thuộc Dự án Cải tạo sửa chữa và mua sắm trang thiết bị cho Viện Pasteur TP. HCM (60 tỷ đồng) phải được LCNT trong quý I/2024, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin mời thầu.
Giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch LCNT đợt 2 với 7 gói thầu của Dự án ĐTXD khối điều trị Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới; kế hoạch LCNT 8 gói thầu thuộc Dự án Trung tâm đánh giá động vật thí nghiệm Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (128,9 tỷ đồng). Với các gói thầu này, nếu công tác LCNT thuận lợi và thực hiện trong quý II/2024 với thời gian 45 ngày như dự kiến, thì mới có thể bảo đảm về đích đúng thời hạn.
Tỉnh Long An có 1 dự án bị điểm tên trong danh sách của Bộ Tài chính. Ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, Dự án Mua sắm trang thiết bị cho TTYT tuyến huyện do Sở Y tế làm Chủ đầu tư sử dụng vốn Trung ương hỗ trợ thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã cơ bản hoàn thành trong năm 2023. Tuy nhiên với phần vốn dư 738 triệu đồng, phải chờ UBND Tỉnh chấp thuận việc chuyển nguồn vốn thì mới có thể thực hiện được. Hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An đang trình UBND Tỉnh phê duyệt phương án chuyển nguồn.
Dự án Mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Bạch Mai (242,6 tỷ đồng) được Bộ Y tế phê duyệt chủ trương đầu tư từ ngày 5/12/2022, nhưng hiện mới thực hiện đến bước chuẩn bị đầu tư. Theo tìm hiểu, một trong những lý do chậm tiến độ là thời gian qua, Bệnh viện có sự thay đổi về Hội đồng Quản lý bệnh viện, chuyển từ cơ chế thí điểm tự chủ toàn diện sang tự chủ nhóm 2…
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số chủ đầu tư cho biết họ đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án, nhưng triển khai một dự án đầu tư công nhóm B lĩnh vực y tế trong 1 năm là rất khó khăn, đòi hỏi phải thực hiện nhiều bước, nhiều thủ tục. Chẳng hạn, thiết kế cơ sở phải được Sở Xây dựng phê duyệt, thủ tục phòng cháy chữa cháy phải được cơ quan PCCC chấp thuận…, rất mất nhiều thời gian. Do đó, để bảo đảm giải ngân đúng hạn, cần có sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp đồng bộ của các bên.
Liên quan đến giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Công điện số 02/CĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây nêu rõ: Giải ngân đầu tư công năm 2024 là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong đó, giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng và chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/12/2024 (sau khi đã được gia hạn). Do vậy, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, tập trung bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án có thời hạn kết thúc trong năm 2024 để hoàn thành dứt điểm, bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra.