Tiếp tục xây dựng các bộ lọc để lựa chọn được những dự án FDI chất lượng. Ảnh: Lê Tiên |
Chuyển từ số lượng sang chất lượng
Trên cơ sở đánh giá kết quả của 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030” (gọi tắt là Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới).
“Chiến lược này bám sát định hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững với nhiều giải pháp mạnh mẽ như: xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc về suất đầu tư, sử dụng lao động; xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Bên cạnh đó, nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới; ưu đãi đầu tư theo kết quả đầu ra; ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết; ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng; tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...
Kiểm soát chặt đầu tư “núp bóng”
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, căng thẳng thương mại diễn biến khó lường, gian lận xuất xứ có nhiều dấu hiệu phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu: “Bộ KH&ĐT cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò thu hút FDI với việc xây dựng các bộ lọc để lựa chọn được những doanh nghiệp (DN) FDI chất lượng”.
Về mối lo gian lận xuất xứ hàng hóa, Phó Thủ tướng kiên quyết: “Phải đấu tranh không khoan nhượng với đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” để gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa trong điều kiện hiện nay”.
Cụ thể hóa định hướng thu hút dòng vốn FDI mới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định quan điểm: “Chúng ta thu hút đầu tư có chọn lọc, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những địa phương khó khăn vẫn có thể thu hút dự án thâm dụng lao động nhưng phải bảo đảm các yếu tố về công nghệ, môi trường và tiết kiệm năng lượng; thận trọng trong việc đưa ra các cam kết, ưu đãi. Cùng với đó, chú ý khâu thẩm tra, chấp thuận đầu tư, xem xét kỹ các yếu tố công nghệ, môi trường, quốc phòng an ninh, đặc biệt lưu ý phải sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai; tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ đầu tư, cải thiện và đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đảm bảo sự liên thông và tổ chức thực thi hiệu quả của các cơ quan chuyên môn tại địa phương.
“Kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập DN; đẩy mạnh kiểm toán tổng mức đầu tư, định giá tài sản hình thành sau đầu tư, giám định độc lập về giá, chất lượng máy móc, thiết bị, thẩm định giá công nghệ; ngăn ngừa, xử lý các vi phạm về môi trường...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các dự án FDI tại Việt Nam, Bộ KH&ĐT cũng lưu ý đến công tác chuẩn bị tiếp nhận đầu tư. Cần chủ động chuẩn bị về hạ tầng và các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là về nhân lực trong việc thu hút, quản lý FDI.