CEO Moderna: Có thể cần đến mũi tiêm vaccine Covid thứ tư vì hiệu quả mũi 3 giảm theo thời gian

0:00 / 0:00
0:00
CEO Stephane Bancel của Moderna ngày 6/1 nói rằng hiệu quả của mũi tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 có thể giảm theo thời gian, và mọi người có thể phải cần tới mũi tiêm thứ tư để tăng cường bảo vệ...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Theo hãng tin CNBC, ông Bancel nói những người được tiêm mũi 3 vào mùa thu năm ngoái có thể có đủ miễn dịch đến hết mùa đông – khi làn sóng lây nhiễm mới nổi lên và mọi người tụ tập trong nhà để tránh rét. Tuy nhiên, theo ông Bancel, hiệu quả của mũi tiêm nhắc lại có thể giảm sau vài tháng, tương tự như hai mũi tiêm cơ bản.

“Tôi sẽ ngạc nhiên nếu trong mấy tuần tới chúng ta có dữ liệu cho thấy mức độ bảo vệ được giữ vững theo thời gian. Tôi cho rằng miễn dịch sẽ không duy trì được lâu”, ông Bancel phát biểu.

Thế giới đang đương đầu với một làn sóng lây nhiễm kỷ lục do biến chủng Omicron có tốc độ lây lan chóng mặt. Tại Mỹ, số ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày trong 7 ngày tính đến ngày 5/1 là 574.000 ca, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Đầu tuần này, Mỹ thiết lập kỷ lục thế giới với hơn 1 triệu ca nhiễm trong một ngày.

Ông Bancel nói rằng chính phủ một số nước, gồm Anh và Hàn Quốc, đã đặt mua thêm vaccine để chuẩn bị cho khả năng phải tiêm mũi thứ tư. “Tôi vẫn tin rằng chúng ta sẽ cần thêm mũi tiêm nhắc lại trong mùa thu năm 2022 và sau đó”, ông nói và nhấn mạnh rằng người cao tuổi hoặc có bệnh nền có thể phải cần tới mũi tiêm nhắc lại hàng năm trong những năm tới đây.

“Chúng tôi vẫn cho rằng virus này sẽ không biến mất. Chúng ta sẽ phải sống chung với virus”, ông Bancel phát biểu.

Tháng trước, Moderna công bố dữ liệu ban đầu cho thấy mũi tiêm nhắc lại hiện nay, với hàm lượng 50 microgram hoạt chất, giúp tăng gấp 37 lần mức kháng thể ngăn chặn sự lây nhiễm biến chủng Omicron. Hãng này cũng ước tính rằng nếu tiêm nhắc lại bằng 100 microgram hoạt chất, thì mức kháng thể đó sẽ tăng lên 83 lần.

Mũi tiêm nhắc lại giữ vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược của các quốc gia nhằm kiểm soát virus, vì hai mũi tiêm cơ bản được cho là giảm tác dụng nhiều trong việc chống lại sự lây nhiễm Omicron.

Dữ liệu từ Anh cho thấy 2 mũi tiêm cơ bản bằng vaccine Moderna hoặc Pfizer chỉ có hiệu quả khoảng 10% trong việc chống lại lây nhiễm Covid có triệu chứng do Omicron ở thời điểm 20 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai. Cũng theo nghiên cứu này, do Cơ quan An ninh y tế Anh thực hiện, mũi tiêm nhắc lại đạt hiệu quả tới 75% trong việc chống lại nguy cơ mắc Omicron có triệu chứng ở thời điểm 2 tuần sau khi tiêm.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên cho thấy hiệu quả của mũi tiêm nhắc lại bắt đầu giảm sau khoảng 4 tuần. Tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm của mũi tiêm này còn khoảng 55-70% ở thời điểm từ 5-9 tuần sau tiêm, và còn 40-50% ở thời điểm 10 tuần sau khi tiêm.

Trong một cuộc trao đổi với CNBC vào tháng 1, CEO Albert Bourla của Pfizer cũng nói rằng mũi tiêm thứ tư có thể cần thiết và phải được tiêm sớm do biến chủng Omicron có tốc độ lây nhanh.

Ông Bancel ngày 6/1 nói Omicron có thể đẩy nhanh sự dịch chuyển của virus Sars-CoV2 từ đại dịch trở thành một căn bệnh thường gặp (endemic) – giai đoạn mà thế giới có nhiều người có miễn dịch đến mức Covid không còn gây đảo lộn cuộc sống.

Tuy nhiên, ông Bencel cũng cảnh báo thế giới không nên chủ quan vì những dự báo như vậy. Ông nói rằng biến chủng Omicron với hàng chục đột biến đã khiến cộng đồng khoa học sửng sốt. Các dữ liệu đến hiện tại cho thấy biến chủng này lây nhanh hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn các biến chủng trước. Dù vậy, đây mới là đánh giá ban đầu và một đột biến nào đó hoàn toàn có thể khiến tình hình đại dịch thay đổi, ông Bancel nhấn mạnh.

“Điều không ai có thể đoán trước, là một đột biến mới có thể xuất hiện sau vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng nữa, khiến cho virus trở nên nguy hiểm hơn”, ông nói. “Đó chính là điều mà chúng ta phải cảnh giác”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư