CEO JPMorgan Chase: "Chưa có tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang bước vào suy thoái"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chủ tịch kiêm CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon nhận định, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng, cả thị trường lao động và chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở mức lành mạnh. Tuy nhiên, ông Dimon cũng đưa ra nhiều dấu hiệu cảnh báo mà nhà đầu tư cần chú ý.
Chủ tịch kiêm CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon
Chủ tịch kiêm CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon

“Căng thẳng địa chính trị, lạm phát cao, niềm tin của người tiêu dùng sa sút, những bất định về kế hoạch tăng lãi suất, thắt chặt định lượng chưa từng có tiền lệ và ảnh hưởng tới thanh khoản toàn cầu; cùng với đó là cuộc xung đột tại Ukraine và tác hại tới giá năng lượng và lương thực toàn cầu. Tất cả điều này sẽ có tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới”, ông Dimon nhận xét.

Bình luận của ông Dimon được đưa ra trong bối cảnh giới đầu tư và các nhà kinh tế đang cố gắng đánh giá xem nền kinh tế Mỹ có đang rơi vào suy thoái hay không.

Theo nhận định của các lãnh đạo JPMorgan Chase tại buổi công bố kết quả kinh doanh quý II (14/7), hiện tại chưa có tín hiệu nào cho thấy nền kinh tế Mỹ sắp suy thoái.

Thị trường lao động Mỹ vẫn khá vững mạnh và tạo ra thêm 372.000 việc làm mới trong tháng 6, vượt xa ước tính 250.000 của Dow Jones. Trong khi đó, tiền lương trung bình theo giờ trong tháng 6 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi tiêu của các hộ gia đình vẫn tăng, tuy tốc độ đã chậm lại. Cụ thể, tiêu dùng tháng 5 tăng 0,2%, thấp hơn mức 0,4% mà các nhà kinh tế của Reuters kỳ vọng.

Các mảng hoạt động kinh doanh của JPMorgan cũng cho thấy những dấu hiệu về "sức khỏe" của người tiêu dùng. Người dân vẫn chi tiêu vào các hàng hóa không thiết yếu như đi du lịch và ăn nhà hàng. Tại bộ phận ngân hàng tiêu dùng và cộng đồng của JPMorgan, tổng chi tiêu qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ tăng 15% trong quý II. Các khoản vay qua thẻ tăng 16% với số tài khoản mở mới tiếp tục ở mức cao.

Tuy nhiên, theo ông Dimon, vẫn còn đó những rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua dự báo của các chuyên gia và là mức tăng cao nhất kể từ cuối năm 1981.

Nhân tố chính khiến lạm phát phi mã là giá nhiên liệu cao. Giá dầu thô WTI tại Mỹ hiện cao hơn khoảng 28% so với đầu năm, do xung đột Nga - Ukraine làm gia tăng lo ngại về nguồn cung vốn đã khan hiếm trên thị trường.

Giá nhiên liệu cao gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý người tiêu dùng. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 6 giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm và chạm mức thấp nhất trong lịch sử.

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát cao đã buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ trong năm nay sớm hơn dự đoán của giới đầu tư. Tháng trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm. Một số nhà kinh tế dự báo, ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất tới 1 điểm phần trăm vào cuối tháng 7 này.

Chuyên đề