Cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á sắp đưa vào sử dụng

Dự kiến ngày 14/5 tới đây, cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện dài 5,44 km thuộc dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện (Hải Phòng) sẽ thông xe kỹ thuật.
Toàn cảnh cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện chuẩn bị thông xe kỹ thuật. Ảnh: BNEWS
Toàn cảnh cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện chuẩn bị thông xe kỹ thuật. Ảnh: BNEWS

Theo Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải), cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện dài 5,44 km thuộc dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện (Hải Phòng) đã cơ bản hoàn thành, hiện tại các đơn vị đang gấp rút hoàn thành sơn kẻ vạch đường, lắp hệ thống chiếu sáng, biển báo... Dự kiến ngày 14/5 tới đây sẽ thông xe kỹ thuật.

Theo đánh giá, đây là cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại với những kỹ thuật xây dựng lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam .

Tại dự án Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, thì cầu vượt biển là hợp phần hết sức quan trọng và cần thiết nhằm kết nối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện với đất liền.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho hay, dự án được xây dựng mới sẽ kết nối các khu vực đang phát triển tại phía Đông thành phố Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, khu công nghiệp Đình Vũ, cũng như kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng và tiến độ triển khai cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Được biết phần cầu do Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui Nhật Bản và Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco 4) của Việt Nam thi công, hiện đã đạt 99,8% tổng giá trị sản lượng, trong đó, Sumitomo Mitsui xây dựng phần cầu dẫn phía Hải An, phần cầu chính và dẫn phía đảo Cát Hải do Cienco 4 và Sumitomo Mitsui phối hợp thi công.

Theo thiết kế, đường công vụ chạy dọc phía dưới cầu sẽ được giải thể, tuy nhiên, thành phố Hải Phòng đã đề nghị giữ lại, tận dụng để mở đường đi vào khu công nghiệp sẽ xây dựng hai bên cầu.

Được biết sau khi cầu Vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện đi vào hoạt động, việc đi lại bằng ô tô giữa đất liền từ phía TP Hải Phòng sang đảo Cát Hải chỉ mất khoảng 5 phút thay vì mất hàng tiếng đồng hồ khi đi bằng phà biển hiện nay.

Theo đánh giá, cầu Tân Vũ Lạch Huyện nói riêng, tuyến đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện nói chung sau khi hoàn thành sẽ không chỉ phục vụ phát triển cảng Lạch Huyện và khu công nghiệp tại Cát Hải, mà sẽ là tuyến đường tiệm cận đến đảo Cát Bà, cạnh đảo Cát Hải, mở ra cơ hội to lớn để phát triển du lịch tại Cát Bà.

Dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư lần đầu vào ngày 29/10/2010 với tên gọi Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, (Hải Phòng), do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án 2 là đơn vị tổ chức quản lý thực hiện dự án.

Tổng mức đầu tư dự án là 11.849,195 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA Nhật Bản 50,171 tỷ Yên, vốn đối ứng 1.800 tỷ đồng. Điểm đầu dự án tại nút giao Tân Vũ (Lý trình Km100+891, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), phường Tràng Cát, quận Hải An, TP Hải Phòng; điểm cuối dự án tại vị trí tiếp giáp cổng cảng Lạch Huyện, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.

Dự án gồm phần đường và cầu. Phần đường đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h.

Cầu là hạng mục phức tạp, có giá trị xây lắp lớn nhất (hơn 5.000 tỷ đồng). Cầu thiết kế vĩnh cữu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thep dự ứng lực. Chiều dài toàn cầu 5,44 km, bề rộng mặt cầu 16m với 4 làn xe chạy (Giai đoạn hoàn chỉnh dự kiến xây dựng 6 làn xe).

Cầu dẫn phía Hải An dài khoảng 4,43 km thi công theo công nghệ SBS. Giải thích về công nghệ này, ông Nam Ba, Giám đốc tư vấn dự án Tân Vũ – Lạch Huyện (người Nhật Bản) cho biết, đây là công nghệ xây dựng lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. Dầm cầu được lắp ghép bởi các khối bê tông đúc sẵn ghép với nhau thông qua hệ thống dây cáp xuyên qua các khối bê tông này.

Nhờ công nghệ này, việc đúc các khối bê tông làm dầm cầu và trụ cầu có thể tiến hành song song. Thời gian hoàn thiện một dầm cầu chỉ 7 ngày, góp phần đưa toàn bộ dự án quy mô lớn này hoàn thành chỉ trong 3 năm.

Phần cầu cầu chính dài khoảng 490m thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng. Cầu chính cũng đạt kỷ lục về khẩu độ thông thuyền tại Việt Nam với chiều dài 100 m. Cầu dẫn phía đảo Cát Hải dài khoảng 519m thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng với chiều cao dầm không thay đổi.

Chuyên đề