Giai đoạn 2016 - 2019, giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ảnh: Lê Tiên |
Nhà đầu tư vẫn phải gõ “nhiều cửa”
Tại hội thảo lấy ý kiến cho Báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển KCN, KKT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, đến nay, cả nước có 369 KCN; 26 KKT cửa khẩu; 18 KKT. Lũy kế đến hết tháng 6/2020, các KCN, KKT thu hút được 10.298 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đạt 213,18 tỷ USD; 9.816 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 2.390 nghìn tỷ đồng.
“Các KCN, KKT đã thể hiện rõ nhất vai trò trong thành tựu tăng trưởng thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước; bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội”, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện, gồm vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN, khu chức năng trong KKT và vốn đầu tư của dự án trong KCN, KKT đạt khoảng 27,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2019. Cũng trong giai đoạn này, giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của các KCN, KKT chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (nộp trên 400 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2019). Tại một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng…, thu ngân sách nhà nước từ các KCN, KKT chiếm trên 60% tổng thu ngân sách.
Dù có đóng góp rất lớn, nhưng theo đại diện các ban quản lý KCN, KKT, vai trò, vị thế của các KCN, KKT còn bị hạn chế bởi có quá nhiều chồng chéo giữa các quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với KCN, KKT, mô hình tổ chức của các ban quản lý chưa đồng nhất…
Ông Phạm Minh Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương cho biết, công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT liên quan đến nhiều lĩnh vực như đất đai, môi trường, lao động, quy hoạch và xây dựng, đầu tư, doanh nghiệp, thuế, hải quan… Tuy nhiên, một số quy định mới tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN, KKT có khác biệt với các luật, nghị định hướng dẫn thực hiện các luật chuyên ngành. Khi xem xét áp dụng thì căn cứ cuối cùng của các quy định chuyên ngành là luật nên Nghị định 82/2018/NĐ-CP không điều chỉnh được.
Đồng thuận với ý kiến này, bà Lê Thị Thu Huyền, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm, việc không có văn bản quy phạm pháp luật cao như luật hay pháp lệnh khiến cho cơ cấu, tổ chức bộ máy của các ban quản lý KCN, KKT các địa phương không đồng nhất. Cơ cấu người đứng đầu cũng có sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố.
Trong khi đó, theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, các ban quản lý chưa được phân cấp, ủy quyền đầy đủ, một số chức năng chưa được các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện dẫn tới sự chồng chéo trong công tác quản lý. Nhà đầu tư vẫn phải đến “nhiều cửa” thay vì “một cửa” tại ban quản lý. Đó là chưa kể, trong thời gian gần đây, các luật, nghị định mới ra đời đã thu hẹp chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý KCN.
Cấp thiết ra đời luật riêng về KCN, KKT
Tại Hội thảo, các tham luận của đại diện đến từ các KCN, KKT và các doanh nghiệp trong KCN, KKT đều cho thấy sự cần thiết phải ban hành luật dành riêng cho lĩnh vực này.
Bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thuộc Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng luật dành riêng cho mô hình KCN, KKT. “Việc xây dựng và ra đời của luật này sẽ nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước, các cấp trong phát triển KCN, KKT về vai trò, vị trí, cũng như tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền”, bà Lan nhận định.
Trong khi đó, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào KCN, KKT theo hướng sàng lọc dự án, cơ chế đánh giá, kiểm soát bảo đảm an ninh, quốc phòng, cụ thể hóa nhiệm vụ và giải pháp về ưu đãi đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT đã được Bộ Chính trị nêu rõ tại Nghị quyết số 50-NQ/TW. Điều này cho thấy, vai trò của KCN, KKT rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay. Sự ra đời của luật riêng về KCN, KKT là cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, yêu cầu phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa thể chế, khung chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển KCN, KKT để thích ứng với bối cảnh mới sẽ là nền tảng quan trọng để Bộ KH&ĐT xây dựng luật cho KCN, KKT trong thời gian sớm nhất.