Cấp tập giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xác định mặt bằng là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, hiện nay, các công việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các dự án này đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với địa phương cấp tập triển khai.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tại Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (dài 117,5 km), Bộ GTVT và các tỉnh: Khánh Hòa, Đắk Lắk thường xuyên họp bàn, đôn đốc các công việc để đảm bảo yêu cầu tiến độ của Chính phủ; đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát địa chất (đạt khoảng 82% và dự kiến sẽ hoàn thành công tác khảo sát vào cuối tháng 11/2022). Dự án đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, tiến độ triển khai hiện nay của Dự án đáp ứng yêu cầu đề ra. Hiện đã thống nhất được phương án thiết kế 54,1/117,5 km (đạt 46%), triển khai cắm cọc GPMB và bàn giao được 32,1/117,5 km (27%). Các cơ quan chủ quản đang tích cực triển khai công tác lập dự án đầu tư để thẩm định và phê duyệt trong tháng 1/2023. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện để dự phòng cho yếu tố bất lợi về thời tiết mưa nhiều và điều kiện phức tạp về địa hình, địa chất tại khu vực triển khai Dự án.

Đối với Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 53,7 km), hiện Bộ GTVT và các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành công tác khảo sát. Bộ TN&MT đã thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường 1 trong 3 dự án thành phần và tiếp tục thẩm định các dự án thành phần còn lại trong tháng 11/2022. Hiện đã thống nhất phương án thiết kế được 53,7/53,7 km (100%), triển khai cắm cọc GPMB và bàn giao 41,3/53,7 km (đạt 77%), sẽ hoàn thành bàn toàn bộ trong tháng 11/2022 theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Các chủ đầu tư Dự án đã hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của 2 dự án thành phần trình Bộ GTVT thẩm định.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, hiện công tác triển khai lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đang bị chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là do chậm trễ trong chỉ định thầu tư vấn; Dự án đi qua các khu vực đô thị, đông dân cư nên công tác thỏa thuận, thống nhất giải pháp thiết kế, tham vấn cộng đồng kéo dài hơn so với dự kiến. Vì vậy, các cơ quan chủ quản cần tập trung quyết liệt, đôn đốc tư vấn hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi và phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong công tác thẩm định phê duyệt Dự án.

Tại Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài 189,4 km), hiện các tỉnh: An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ đã hoàn thành công tác khảo sát. Bộ TN&MT đã thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2/4 dự án thành phần; tiếp tục thẩm định các dự án thành phần còn lại trong tháng 11/2022. Dự án đã trình Bộ TN&MT khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thành phần. Hiện đã thống nhất phương án thiết kế 157/189,4 km (đạt 83%), triển khai cắm cọc GPMB 86,6/189,4 km (đạt 46%); sẽ hoàn thành bàn toàn bộ trong tháng 1/2023. Các cơ quan chủ quản đang tích cực triển khai công tác lập dự án đầu tư để thẩm định và phê duyệt trong tháng 1/2023.

Tại Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (dài 112,8 km), các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ của toàn Dự án và bàn giao cọc GPMB được 90,6/112,8 km (đạt 80%, còn 22,2 km thuộc địa phận TP. Hà Nội do điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ). Dự án đang triển khai GPMB, khảo sát, lập dự án đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bộ GTVT cho biết, tiến độ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án chậm so với yêu cầu của Chính phủ do chậm trễ trong lựa chọn đơn vị tư vấn. Công tác khảo sát địa chất chậm so với kế hoạch, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, phê duyệt Dự án. Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội chưa cung cấp chính thức tim tuyến cao tốc để các tỉnh triển khai thiết kế đường song hành. Các cơ quan chủ quản cần nỗ lực, tích cực thực hiện, phối hợp chặt chẽ trong triển khai các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ phê duyệt dự án trước ngày 31/1/2023.

Tại Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM (dài 76,34 km), các tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương) đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ của toàn Dự án; đã bàn giao cọc GPMB được 71,34 km (còn 5 km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai). Dự án đang triển khai GPMB, khảo sát, lập dự án đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tiến độ bàn giao cọc GPMB, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ; công tác triển khai lập dự án còn chậm, có nguy cơ không bảo đảm tiến độ phê duyệt dự án đầu tư vào ngày 30/11/2022. Nguyên nhân chậm do việc lựa chọn đơn vị tư vấn kéo dài. Các cơ quan chủ quản cần nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ để bàn giao toàn bộ cọc GPMB và thẩm định, phê duyệt dự án trước ngày 30/11/2022.

Đối với Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (dài 40,2 km), UBND tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện GPMB đạt 100% và tỉnh Phú Thọ thực hiện GPMB đạt 97,82%. Sản lượng thi công đạt 32,24% giá trị hợp đồng, chậm so với yêu cầu do vướng mắc trong công tác GPMB. Dự án đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh phương án đầu tư, trong đó kiến nghị trước mắt giao UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai hoàn thành giai đoạn 1 với quy mô theo chủ trương đã được phê duyệt. Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan làm cơ sở tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Bộ GTVT đề nghị UBND Phú Thọ, Tuyên Quang giải quyết dứt điểm công tác GPMB để bàn giao cho nhà thầu tập trung thi công bảo đảm tiến độ.

Chuyên đề