Cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cạn kiệt dòng tiền, thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp (DN) rất vất vả để duy trì hoạt động. Các hiệp hội DN kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ về tín dụng, thị trường… và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tiết giảm chi phí, giúp DN vượt qua khó khăn, thách thức.
Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về một số rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của DN và nền kinh tế các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), DN ở hầu hết các ngành hàng đều cho biết đang gặp nhiều khó khăn. Đơn hàng cho năm 2023 của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ đều sụt giảm nghiêm trọng. Cùng với đó là khó khăn về dòng tiền, nhất là khi lãi suất tăng và nhiều ngân hàng hết room tín dụng.

“Khách hàng thường thanh toán chậm từ 3 - 4 tháng, trong khi Công ty mua nguyên liệu nhập khẩu phải trả tiền trước. Dù vay ít hay nhiều, các DN ngành dệt may đều gặp khó khăn và tình hình này có thể còn kéo dài đến cuối quý III/2023”, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết. Ông Phí Ngọc Trịnh chia sẻ, DN đang nổ lực tìm kiếm đơn hàng cả ở trong và ngoài nước, kể cả những đơn hàng không có lãi để duy trì hoạt động.

Theo ông Ngô Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (VISA), muốn nhận đơn hàng mới, DN phải nâng cấp thiết bị, công nghệ mới tương ứng. Nhưng ngay cả khi dùng nhà xưởng để thế chấp, một số DN vẫn không vay được vốn vì ngân hàng báo hết room tín dụng và lãi suất quá cao. Bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí logistics tăng càng làm tăng áp lực lên DN.

Để giúp DN vượt qua khủng hoảng, ông Phí Ngọc Trịnh đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì một số chính sách đến hết năm 2023 như: giảm 2% thuế VAT, giãn hoãn tiền thuê đất; chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 1 - 3 tháng để lo tiền Tết cho công nhân… Đối với các DN sử dụng nhiều lao động, cần có chính sách ưu đãi hơn về chi phí sử dụng điện sản xuất, chi phí logistics…

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động là một trong những “cần câu cho DN” mà Chính phủ cần làm nhất.

“Vấn đề mà DN ngành du lịch cần nhất lúc này là cải thiện thủ tục hành chính về thị thực nhập cảnh”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch thuộc Tổng cục Du lịch đề xuất. Ông Chính chia sẻ, thời gian miễn thị thực hiện quá ngắn, chỉ có 15 ngày, trong khi có nước trong khu vực dài tới hơn 30 ngày; thời gian để làm thủ tục gia hạn thị thực mất tới 5 ngày làm việc… Đó là những rào cản ngăn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, việc yêu cầu khách du lịch mua bảo hiểm du lịch, trong đó phải có nội dung “điều trị bệnh Covid-19” là không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay…

Theo đại diện của Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm Group, cần có cơ chế linh hoạt trong quy hoạch vùng trồng, cho phép DN thay đổi cơ cấu cây trồng trong phạm vi nông nghiệp như từ trồng chuối sang trồng dứa… Ban đầu, DN muốn trồng chuối hay trồng dứa thì đều phải xin quy hoạch. Trong quá trình triển khai, DN muốn chuyển sang loại cây trồng khác thì phải xin điều chỉnh quy hoạch, nhưng thời gian điều chỉnh quy hoạch thường phải mất tới trên 1 năm, trong khi cơ hội là mang tính thời điểm.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, DN rau quả trong nước chưa cạnh tranh được với DN Thái Lan tại thị trường lớn như Trung Quốc, là vì Việt Nam có quá ít mã vùng trồng. Đối với sầu riêng, Việt Nam được Trung Quốc cấp 51 mã vùng trồng, trong khi Thái Lan có tới gần 600 mã… Do đó, cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong việc đàm phán với Trung Quốc để cấp thêm nhiều mã vùng trồng và mở thêm cánh cửa xuất khẩu nhiều mặt hàng mới như: bưởi, bơ, vú sữa, chanh…

Để giải quyết được những vấn đề cấp bách hiện nay, ông Hoàng Nhân Chính đề xuất, Chính phủ cần thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt, thành viên không chỉ là các cơ quan quản lý nhà nước, mà cần có sự tham gia của đại diện các khối DN thì mọi thông tin mới được nắm bắt và giải quyết nhanh chóng.

Đây cũng là một trong những đề xuất của Ban IV với Thủ tướng Chính phủ về việc cần khẩn trương tổ chức các cuộc bàn tròn công - tư nhằm phân tích, đánh giá về cơ hội, thách thức của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn và có các giải pháp hỗ trợ DN nhanh chóng vượt qua khủng hoảng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư