Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau: Nhiều nhà thầu “treo cẩu” vì thiếu cát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) đang bị chậm tiến độ 6 tháng. Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương vào cuộc, nhưng nhiều nhà thầu vẫn khó tiếp cận mỏ vật liệu, thời gian hoàn tất các thủ tục khai thác mỏ chưa được rút gọn.
Sau khi khởi công, 2 dự án thành phần của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đều gặp khó khăn trong thời gian dài vì thiếu vật liệu. Ảnh: Lê Tiên
Sau khi khởi công, 2 dự án thành phần của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đều gặp khó khăn trong thời gian dài vì thiếu vật liệu. Ảnh: Lê Tiên

Chậm tiến độ 6 tháng

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Chủ đầu tư), 2 dự án thành phần được khởi công đồng loạt ngày 1/1/2023. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cả 2 dự án đều đạt khoảng 99%. Sản lượng lũy kế đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt khoảng 1.620 tỷ đồng, tương đương 23,66%; đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt khoảng 2.196 tỷ đồng, đạt 18,35%, chậm so với kế hoạch đặt ra.

“Do thiếu cát đắp nền nên Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã chậm tiến độ 6 tháng so với kế hoạch. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chủ động, sẵn sàng hỗ trợ để tỉnh An Giang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp 5 mỏ cát đã giao cho nhà thầu trực tiếp khai thác. Tuy nhiên, thực tế, nhu cầu vẫn chưa đủ và cần địa phương rà soát để cấp mới các mỏ. Đồng thời, với những mỏ đã trong danh sách phê duyệt để khai thác, cần chỉ đạo để đẩy nhanh thủ tục nhằm sớm chủ động nguồn cung cát cho nhà thầu”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Trong khi đó, theo Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, 3 tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp cần ưu tiên bố trí nguồn cát đắp cho dự án cao tốc. Trong đó, An Giang được giao bố trí 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), hiện đã xác định được nguồn vật liệu có thể cấp 7,3 triệu m3. Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3), đến nay đã xác định được nguồn 2,86 triệu m3, còn thiếu 2,14 triệu m3. Tỉnh Đồng Tháp được giao 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), hiện đã xác định nguồn vật liệu với khoảng 7,2 triệu m3. “Tỉnh đã hoàn thiện thủ tục để cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3, đang đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho 5 mỏ với trữ lượng hơn 4 triệu m3. Tuy nhiên, vẫn đang thiếu xấp xỉ 1 triệu m3 cát”, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận lo lắng.

Đợi cát để thi công bù tiến độ

Thực tế, sau khi khởi công, 2 dự án thành phần của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đều gặp khó khăn trong thời gian dài vì thiếu vật liệu. Thậm chí, nhiều nhà thầu phải “treo cẩu” vì khan hiếm cát. Dù đã khởi công toàn tuyến, trong quý I, quý II/2023, các nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công hạng mục cầu trên tuyến và đào bóc hữu cơ, đắp bờ bao các đoạn tuyến đã có mặt bằng, thi công đường công vụ, cầu tạm… Tình hình thi công của quý III, quý IV cũng không khả quan.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty 36 - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty CP Xây dựng Tân Nam thi công với giá hơn 7.555 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 1.020 ngày.

Gói thầu XL-02 thuộc Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau do Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP Hải Đăng - Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn thi công với giá hơn 3.717 tỷ đồng, thời gian thực hiện 1.020 ngày.

“Nhu cầu cát đắp nền tập trung chủ yếu trong 2 năm 2023 - 2024, nhưng năm 2023 luôn bị động, dẫn tới chậm tiến độ. Do đó, áp lực rất lớn đè lên vai nhà thầu trong năm 2024. Nhà thầu luôn chuẩn bị sẵn sàng tăng tốc thi công bù tiến độ, với điều kiện tiếp cận được các mỏ cát kịp thời, nhanh chóng nhất. Trong khi thực tế, các thủ tục để nhà thầu tiếp cận mỏ đang mất từ 2 - 3 tháng”, đại diện một nhà thầu chia sẻ.

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, Chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã nhiều lần làm việc với các tỉnh có nguồn vật liệu cát như An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long để triển khai các thủ tục. Hy vọng các địa phương sẽ tạo điều kiện hết sức, cắt giảm tối đa thời gian để các nhà thầu tiếp cận mỏ, tăng tốc thi công bù tiến độ.

Chuyên đề