Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau: Nhà thầu chờ thủ tục tiếp cận cát biển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang trong giai đoạn thi công nước rút. Trong nỗ lực huy động mọi nguồn để có cát đắp nền, các nhà thầu đang mong chờ thủ tục tiếp cận cát biển.
Từ nay đến 30/10/2024, Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 11,2 triệu m3 cát. Ảnh: Lê Tiên
Từ nay đến 30/10/2024, Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 11,2 triệu m3 cát. Ảnh: Lê Tiên

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải), hiện các địa phương đã bàn giao mặt bằng 110,64/110,85 km (99%) cho Dự án. Trong đó, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang là 37,54/37,65 km; Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 72,88/73,2 km. Phần hệ thống tuyến nối đã bàn giao được 25,15/25,85 km (97%).

Đại diện Chủ đầu tư cho biết, tổng giá trị sản lượng đến nay đạt 5.499/18.812 tỷ đồng (không gồm dự phòng), bằng 29% giá trị hợp đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 2.139,42/6.846 tỷ đồng (31,25%); đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 3.360,31/12.100 tỷ đồng (28%). Lũy kế giải ngân đến nay đạt 10.461/13.599 tỷ đồng (77%). Riêng năm 2024, Dự án đã giải ngân 1.456/4.541 tỷ đồng (32%), trong đó, Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau giải ngân 844/2.876 tỷ đồng (29,3%), đảm bảo kế hoạch; Dự án Cần Thơ - Hậu Giang giải ngân 612,34/1.665 tỷ đồng, đạt 36,77% kế hoạch vốn được giao.

Theo đánh giá của Chủ đầu tư, tiến độ của Dự án hiện phụ thuộc rất lớn vào khả năng cung ứng nguồn vật liệu cát. Đến nay, Dự án đã tiếp nhận khoảng 3,9 triệu m3 cát từ nguồn tăng công suất các mỏ đang khai thác tại địa phương, công suất trung bình 26.000 m3/ngày. Trong khi đó, Dự án còn cần khoảng 11,2 triệu m3 (đoạn Cần Thơ - Hậu Giang khoảng 4,4 triệu m3, Hậu Giang - Cà Mau khoảng 6,8 triệu m3).

“Để đảm bảo hoàn thành Dự án trong năm 2025 như kế hoạch, phải đảm bảo tiến độ huy động 6,8 triệu m3 cát giai đoạn từ 21/5 đến 30/8/2024 (100 ngày) với công suất trung bình theo nhu cầu là 67.300 m3/ngày; khoảng 4,4 triệu m3 giai đoạn từ 30/8 - 30/10/2024 (60 ngày) với công suất trung bình theo nhu cầu là 73.300 m3/ngày”, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin.

Trong khi đó, thực tế tình hình cấp phép khai thác và công suất của các mỏ dự kiến (17 mỏ các loại, đang khai thác 12/17 mỏ) chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, giai đoạn từ nay đến 30/8/2024, tổng khối lượng cát mỏ cấp được 2,68 triệu m3, thiếu khoảng 4,12 triệu m3 so với nhu cầu. Giai đoạn từ 30/8 - 30/10/2024, tổng khối lượng cát mỏ cấp được 1,68 triệu m3, thiếu khoảng 2,7 triệu m3.

Chủ đầu tư tính toán, với điều kiện đến đầu tháng 6 tất cả các mỏ đưa vào khai thác với công suất đạt 33.000 m3/ngày thì đến 30/10/2024 lượng cát khai thác tối đa đưa về công trường là 5,4 triệu m3. Như vậy, đến thời điểm 30/10/2024 cần ít nhất 5,8 triệu m3 cát biển mới đủ yêu cầu 11,2 triệu m3 cát cần có tới ngày 30/10/2024.

Các nhà thầu thi công cho biết, liên quan đến thủ tục tăng công suất mỏ ở Đồng Tháp, các đơn vị đã nộp hồ sơ hoàn chỉnh theo ý kiến rà soát đánh giá của Viện Kinh tế biển đến Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) gồm Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Công ty CP Hải Đăng. Đến nay, Sở TN&MT đã thành lập Hội đồng thẩm định ĐTM (đánh giá tác động môi trường) đối với mỏ cát Phú Thuận B đã bàn giao cho CC1. Sau khi thẩm định xong, Hội đồng sẽ tham mưu UBND Tỉnh cấp giấy xác nhận.

Riêng với thủ tục khai thác cát biển tại Sóc Trăng, hiện các nhà thầu đã trình toàn bộ hồ sơ xin cấp mỏ theo hướng dẫn của Sở TN&MT, trình phương án an toàn giao thông hàng hải, đang chờ UBND Tỉnh chấp thuận phương án và triển khai khai thác.

Liên quan đến huy động thiết bị khai thác cát biển, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, các nhà thầu đã huy động 30 tàu mỗi mỏ, dự kiến khai thác 2 mỏ sẽ huy động 60 tàu loại sức chứa từ 800 m3 đến 2.500 m3. Đối với sà lan vận chuyển từ cửa sông về dự án, với công suất khai thác dự kiến 50.000 m3/ngày, cần huy động khoảng 320 sà lan (loại 600 m3). Đồng thời, các thiết bị như lu, ủi, xúc, máy cắm bấc thấm cũng cần huy động số lượng gấp 2,5 - 3 lần so với hiện tại. Cụ thể, với 73.000 m3 cát/ngày, cần huy động khoảng 350 lu, 100 ủi, 45 máy cắm bấc thấm.

Đánh giá về khả năng vận chuyển, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nằm trong khu vực sông nước, nhiều kênh rạch và có nhiều sông lớn cắt ngang tuyến không hạn chế tải trọng của sà lan vận chuyển là một lợi thế lớn. Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu đang nỗ lực hoàn thiện các cầu lớn trên tuyến để tạo tuyến vận chuyển trục dọc. “Do đó, các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu cần sớm bàn giao mặt bằng ngay trong tháng 5/2024. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục cho các nhà thầu khai thác mỏ còn lại, trao quyết định giao mỏ cát biển cho nhà thầu phục vụ Dự án, tạo điều kiện để Dự án về đích đúng kế hoạch”, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chia sẻ.

Chuyên đề