Cao tốc Bắc Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang: Gỡ khó cho nhà thầu, tiến độ khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong các đoạn cao tốc Bắc Nam đang triển khai, Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang được đánh giá có tiến độ khả thi dù trước đó gặp nhiều khó khăn do phải chờ đợi hoàn tất thủ tục khai thác mỏ vật liệu. Đến nay, các nhà thầu đã tận dụng rất tốt lợi thế từ mặt bằng đến tiếp cận mỏ vật liệu để đẩy nhanh tiến độ, tạo đà đưa Dự án về đích trước hạn 6 tháng.
Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng chiều dài tuyến 83,35 km, tổng mức đầu tư 11.808,02 tỷ đồng. Ảnh: Lữ Hồ
Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng chiều dài tuyến 83,35 km, tổng mức đầu tư 11.808,02 tỷ đồng. Ảnh: Lữ Hồ

Nhà thầu tiếp cận mỏ thuận lợi

Ông Trần Đình Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (thuộc Bộ Giao thông vận tải) cho biết, cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng chiều dài tuyến 83,35 km, qua địa bàn 4 huyện, thị xã: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Dự án có tổng mức đầu tư 11.808,02 tỷ đồng, hiện nhiều gói thầu vượt tiến độ. Lũy kế giá trị sản lượng đến nay đạt 2.829,3/7.138,09 tỷ đồng (khoảng 39,6% giá trị hợp đồng), vượt 1,8% so với kế hoạch điều chỉnh (rút ngắn thời gian hoàn thành trước 30/6/2025), tương đương 131,8 tỷ đồng và vượt khoảng 5% giá trị hợp đồng so với kế hoạch ban đầu.

Nhờ đó, lũy kế giải ngân vốn ngân sách nhà nước tới nay đạt 5.166,23 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân vốn bố trí năm 2023 (bao gồm cả vốn kéo dài từ năm 2022) là 4.131,76/4.134,59 tỷ đồng, đạt 99,93% kế hoạch, riêng chi phí xây dựng đạt 100% (3.247,93 tỷ đồng). Những tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn cho Dự án là 163,5/2.339,822 tỷ đồng, đạt 7% kế hoạch.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tiến độ thi công nhanh là nhờ tận dụng tốt việc tiếp cận các mỏ vật liệu, bãi đổ thải. Trong đó, nhu cầu đá cho Dự án khoảng 2,1 triệu m3, sử dụng từ 9 mỏ đang khai thác có tổng trữ lượng 24,7 triệu m3, chất lượng, công suất đảm bảo yêu cầu. Về vật liệu cát, nhu cầu của Dự án khoảng 0,3 triệu m3, sử dụng cát từ 5 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng 1,36 triệu m3, chất lượng đáp ứng nhu cầu.

Riêng vật liệu đất, các nhà thầu đang khai thác 17/17 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 7,64 triệu m3 (sau khi điều phối, nhu cầu của Dự án khoảng 7,26 triệu m3). Tuy nhiên, tại Gói thầu XL01, trong tổng số 14 mỏ, có 7 mỏ đã khai thác hết trữ lượng nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 80% trữ lượng đăng ký (3,345/4,135 triệu m3), còn thiếu khoảng 0,66 triệu m3, các nhà thầu dự kiến trình bổ sung từ 1 - 2 mỏ để đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhu cầu đổ thải của Dự án khoảng 2,8 triệu m3, đã hoàn thiện thủ tục thỏa thuận bãi thải với chính quyền địa phương tại 10 vị trí, đáp ứng trữ lượng khoảng 1,73 triệu m3. Các nhà thầu đang tiếp tục thỏa thuận các bãi thải còn lại phù hợp theo điều kiện thực tế.

Nhà thầu bù tiến độ, 2 gói thầu vượt kế hoạch

Trong 2 gói thầu xây lắp thuộc Dự án, Gói thầu XL01 Thi công đoạn Km285 - Km337+500 (bao gồm thiết kế bản vẽ thi công) do Liên danh Công ty Lizen - Phương Thành - VNCN E&C - Hải Đăng đảm nhận, khởi công từ ngày 15/2/2023, dự kiến hoàn thành sau 1.020 ngày. Đến nay, Liên danh nhà thầu đang tổ chức 29 mũi thi công, 663 thiết bị với tổng nhân lực 953 người. Tiến độ triển khai Gói thầu nhanh hơn so với kế hoạch là 1,3% giá trị hợp đồng, tương đương 54,92 tỷ đồng. Tại gói thầu này, Công ty Hải Đăng đã có nhiều nỗ lực khi bù tiến độ bị chậm trong tháng 12/2023 (giá trị khối lượng chậm tiến độ là 48 tỷ đồng), đến nay đã vượt tiến độ khoảng 4 tỷ đồng. Hiện Liên danh nhà thầu đang tập trung thi công hoàn thành các hạng mục cống, hầm chui, tập kết vật liệu dạng hạt để thi công song song với đắp đất nền đường nhằm thông tuyến và triển khai các lớp K98, móng mặt đường. Giá trị khối lượng hoàn thành của Gói thầu XL01 đạt 1.626,5 tỷ đồng.

Gói thầu XL02 Thi công đoạn từ Km337+500 - Km368+350 (bao gồm thiết kế bản vẽ thi công) do Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thực hiện được khởi công ngày 11/1/2023. Theo đại diện Nhà thầu Vinaconex, đơn vị đã thi công bù tiến độ chậm trong tháng 1/2024, hiện đã vượt tiến độ. Gói thầu đang được tổ chức 13 mũi thi công, 280 thiết bị và 883 nhân sự. Các nhà thầu đang tăng cường bổ sung thiết bị thi công phần tuyến hoặc tổ chức thi công tăng ca, kíp, tập kết cấp phối đá dăm. Giá trị khối lượng hoàn thành của Gói thầu đến nay đạt 1.059,6 tỷ đồng, giải ngân đạt 1.377 tỷ đồng.

Đại diện Chủ đầu tư cho biết, theo tiến độ điều chỉnh (rút ngắn 6 tháng), nhu cầu vốn ngân sách nhà nước năm 2024 các đơn vị thi công và địa phương đăng ký để đáp ứng tiến độ hoàn thành Dự án trước 30/6/2025 là 3.531 tỷ đồng (xây lắp: 2.950 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn, khác: 20 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng: 561 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn đã bố trí năm 2024 là 2.339 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 1.191 tỷ đồng. Cấp thẩm quyền cần xem xét bố trí bổ sung cho Dự án phần kế hoạch vốn còn thiếu, Chủ đầu tư và các nhà thầu sẽ nỗ lực đưa Dự án về đích trước kế hoạch.

Chuyên đề