Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ: Định hình tiến độ, tổng vốn đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM. Báo cáo thẩm định nêu các nội dung cần làm rõ, điều chỉnh nhằm mục tiêu lựa chọn được nhà đầu tư đủ tiềm lực, kinh nghiệm phát triển siêu dự án này.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến được đầu tư với quy mô diện tích 571 ha. Ảnh: Song Lê
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến được đầu tư với quy mô diện tích 571 ha. Ảnh: Song Lê

Theo UBND TP.HCM, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) do Liên danh Công ty CP Cảng Sài Gòn - Terminal Investment Limited Holding S.A (thành viên Hãng tàu MSC) đề xuất đầu tư. Hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư cho thấy, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 113.531,7 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), quy mô 571 ha. Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông quan, dự kiến tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn trước năm 2030 với việc đầu tư 2 khu bến chính trong tổng số 7 khu bến chính. Từ giai đoạn 2030 - 2050 sẽ hoàn thiện các khu bến chính còn lại. Theo đề xuất, nhà đầu tư sẽ giải ngân khoảng 50.000 tỷ đồng trong 10 năm và giải ngân hết tổng vốn đầu tư trong 22 năm.

UBND TP.HCM kiến nghị các bộ ngành phê duyệt các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, suất đầu tư để xác định tổng vốn đầu tư tối thiểu, làm cơ sở để Thành phố xây dựng hồ sơ, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sau khi Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện Dự án, TP.HCM căn cứ vào nội dung đề xuất của nhà đầu tư để ghi nhận thông tin tổng vốn đầu tư thực hiện tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng xem xét ghi nhận nội dung tổng vốn đầu tư theo hướng: “Tổng vốn đầu tư được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện Dự án và Đề án nghiên cứu Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỷ đồng. UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định cụ thể tổng vốn đầu tư của Dự án trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án”.

Ngoài ra, dự án này thuộc trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng giao TP.HCM phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan để xác định tổng vốn đầu tư tối thiểu của Dự án để làm cơ sở xây dựng hồ sơ, yêu cầu và điều kiện về năng lực tài chính khi tổ chức lựa chọn đầu tư sau khi Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về tiến độ thực hiện Dự án, nhà đầu tư đề xuất thực hiện trong 22 năm, theo 7 giai đoạn. TP.HCM cho rằng, yêu cầu giải ngân toàn bộ tổng vốn đầu tư trong vòng 5 năm theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 là không khả thi đối với dự án hạ tầng quy mô lớn. UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung điều chỉnh đối với điểm b khoản 9 Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 theo hướng chỉ yêu cầu giải ngân số vốn bắt buộc tối thiểu trong thời hạn 10 năm.

Theo Bộ KH&ĐT, việc yêu cầu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư trong vòng 5 năm như quy định tại Nghị quyết số 98 sẽ tạo ra áp lực tài chính và tiến độ giải ngân đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đề xuất tiến độ Dự án tại Dự thảo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng “giải ngân vốn đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 7 Nghị quyết số 98”. Trong trường hợp Quốc hội chấp thuận sửa đổi nội dung này, TP.HCM sẽ thực hiện điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành đấu thầu thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 98; các nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 98 (nếu có); trong đó lưu ý các vấn đề quốc phòng, an ninh; môi trường; năng lực nhà đầu tư; tiêu chí, giải pháp khai thác có hiệu quả Dự án, tránh cạnh tranh nội bộ giữa các cảng biển của Việt Nam; bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ… Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan xây dựng các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để bảo đảm không tác động tiêu cực đến vùng đệm, vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chí công nghệ sử dụng, phương án vận hành cảng biển trong Dự án. Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá khả năng đầu tư xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông phục vụ cho việc phát triển Dự án.

Chuyên đề