Cần hơn 300.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng giao thông trong 5 năm tới. Ảnh: Lê Tiên |
Theo dự thảo, ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được sử dụng tối đa 40% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn thay vì 60% như trước đây. Động thái chính sách này là thách thức không nhỏ cho việc tìm kiếm nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
35% vốn đầu tư ngoài ngân sách
Theo Đề án Chương trình và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào giao thông vận tải đến năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) khá cao. Cụ thể, tổng chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý bình quân năm đã tăng từ mức 12.000 tỷ đồng/năm (khoảng 0,76 tỷ USD) ở giai đoạn 2001 - 2005 lên mức 36.000 tỷ đồng/năm (khoảng 1,9 tỷ USD) ở giai đoạn 2006 - 2010 và hiện đã ở mức 70.000 tỷ đồng/năm (khoảng 3,1 tỷ USD). Về cơ cấu nguồn vốn, vốn ngân sách (gồm cả ODA) có tỷ lệ lớn nhất (trên 39%), thêm 26% nữa từ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP), còn lại gần 35% là nguồn ngoài ngân sách (huy động nhà đầu tư). Tỷ trọng vốn NSNN và ODA có xu hướng giảm dần trong khi tỷ trọng vốn TPCP và vốn huy động ngoài ngân sách đang tăng dần.
Trên thực tế, thời gian qua, một lượng vốn lớn từ các NHTM đã được đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông. Cụ thể, ở thời điểm cuối năm 2014, trong 63 dự án PPP do Bộ GTVT quản lý, các NHTM đã tham gia tài trợ tới 135.000 tỷ đồng (chiếm trên 89% tổng mức đầu tư). Một số ngân hàng như Ngân hàng Phát triển, BIDV, Vietinbank... đã triển khai, đưa ra các chương trình tín dụng cho vay ưu đãi đối với các dự án hạ tầng giao thông. Điều đáng nói là các dự án đầu tư hạ tầng giao thông thường có thời gian thu hồi vốn dài lên đến hàng chục năm là thách thức lớn đối với các NHTM trong việc thu hồi vốn, quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn.
Năm 2015, tăng trưởng cho vay trung và dài hạn của các NHTM tiếp tục tăng mạnh. Trong Báo cáo tình hình kinh tế tháng 1/2016, Ủy ban Giám sát tài chính cho biết, cả năm 2015, tín dụng tăng 18% (nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp thì tăng trưởng tín dụng ở mức 19,3%), cao hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm (13% - 15%). Trong đó tín dụng trung và dài hạn tăng 31,4%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng ngắn hạn (7%).
Trông vào vốn ngoại
Phân tích sâu hơn về thực trạng nguồn vốn đầu tư, báo cáo của Bộ GTVT cho biết, nguồn vốn nước ngoài được thu hút và đầu tư vào ngành GTVT hiện có nguồn ODA (và vốn vay ưu đãi) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vốn nước ngoài chiếm gần 32% tổng chi đầu tư vào ngành giao thông, trong đó vốn ODA là chủ yếu với tỷ lệ 28%. Vốn FDI chưa được thống kê đầy đủ và chiếm tỷ trọng khá nhỏ (dưới 4% trong cơ cấu vốn).
Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 ước tính khoảng 1.015.000 tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD, là nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình giao thông do Bộ GTVT, các tổng công ty nhà nước quản lý và các công trình chủ yếu tại Hà Nội, TP.HCM). Trong đó, đường bộ có nhu cầu khoảng 651.000 tỷ đồng, đường sắt khoảng 119.000 tỷ đồng, hàng không khoảng 101.000 tỷ đồng, hàng hải 68.000 tỷ đồng và đường thủy nội địa hơn 33.000 tỷ đồng. Khoảng hơn 300.000 tỷ đồng (14 tỷ USD) được xác định sẽ huy động từ nguồn ngoài ngân sách trong nước và nước ngoài, đặc biệt là vốn nước ngoài.
Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng trung dài hạn có khả năng bị hạn chế cộng với việc nguồn vốn ODA và vay ưu đãi ngày càng giảm khi Việt Nam gia nhập vào nhóm quốc gia thu nhập trung bình, vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong thời gian tới đối mặt với thách thức vô cùng lớn. Vốn nước ngoài hiện chiếm tới gần 32% tổng chi đầu tư nhưng để đạt được mục tiêu đầu tư 1.015.000 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn từ nước ngoài sẽ phải tăng lên do áp lực giảm vốn từ kênh tín dụng trung dài hạn trong nước.
Để thuyết phục được nhà đầu tư nước ngoài, theo các chuyên gia kinh tế, cần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phát huy tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư có trọng điểm; tạo bước chuyển biến rõ rệt trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư giữa các lĩnh vực giao thông; tập trung vốn cho các công trình có tính lan tỏa, tạo sự kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa các công trình trong cùng hệ thống, tại các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ quốc tế.