Cần sớm ban hành nghị định cập nhật xử phạt hành chính trong lĩnh vực đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, trong đó nhiều hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu đã được bổ sung, điều chỉnh so với quy định của Luật Đấu thầu 2013.

Luật sư Hoàng Vũ Tưởng, Giám đốc Công ty Luật Minh Phương, Đoàn luật sư TP.HCM

Hiện nay, việc xử phạt hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu chỉ có một cơ sở pháp lý duy nhất là Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Nghị định số 122 đồng thời quy định về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu được quy định trong các điều khoản liên quan tại Luật Đấu thầu 2013.

Hiện nay, Luật Đấu thầu 2013 đã hết hiệu lực thi hành nên các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về đấu thầu tại Nghị định số 122/2021/NĐ-CP trở nên lỗi thời và bị “vô hiệu hóa”. Điều này tạo ra một khoảng trống pháp lý trong cơ chế xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong đấu thầu, sẽ làm khó các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng khi phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu trong giai đoạn hiện nay.

Do vậy, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 122/2021/NĐ-CP để có sự rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, các quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu và một số luật liên quan khác vừa ban hành sau khi Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác đấu thầu, tăng cường tính răn đe đối với các chủ thể liên quan và siết chặt kỷ cương cho công tác đấu thầu.

Chuyên đề