Ảnh minh họa: Internet |
Những ngày qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đang gồng sức chống dịch khi đại dịch Covid-19 có những tiến triển hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là các đơn vị thuộc hệ thống y tế, các trung tâm sản xuất công nghiệp, trung tâm kinh tế của cả nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giao các bộ, địa phương ban hành các hướng dẫn, giải pháp để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo phán ánh của nhiều hiệp hội DN, quá trình triển khai một số nhóm giải pháp hiện đã bộc lộ những khía cạnh bất cập, khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị tê liệt, đình trệ, đẩy hàng loạt DN ở nhiều ngành, lĩnh vực vào tình trạng đã hoặc sẽ phải đóng cửa, dừng hoạt động; không đủ năng lực duy trì lương cho hàng triệu lao động, thậm chí nguy cơ cao mất thị trường vào tay các nước đối thủ.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với tinh thần hỗ trợ trực tiếp cho người lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch. Chính sách này được công luận và DN rất hoan nghênh. Tuy vậy, theo phản ánh của nhiều hiệp hội DN, thủ tục hỗ trợ này đang còn có những quy định gây khó, khiến hầu hết DN không thể tiếp cận chính sách.
Cụ thể, Điểm b, Khoản 2, Điều 38, Quyết định 23 yêu cầu DN “đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn”. Trong khi đó, pháp luật về thuế hiện nay quy định, DN có thể thực hiện quyết toán thuế với chu kỳ 3 - 5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm. Bối cảnh đại dịch xảy ra từ năm 2020 tới nay khiến DN hết sức khó khăn về tài chính, nên việc yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 cho dù DN chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết là một quy định chưa hợp lý. Trên cơ sở ý kiến của các hiệp hội DN, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa có đề xuất Chính phủ xem xét loại bỏ quy định này.
Đồng thuận với quan điểm này, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, cộng đồng DN hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về nguồn thu do đứt gãy chuỗi cung ứng, không có đơn hàng, chấm dứt hợp đồng..., cho nên rất cần nguồn tài chính bổ sung. Các DN muốn tiếp cận khoản vay mới nhưng với điều kiện phải có quyết toán thuế năm 2020 thì rất ít DN đáp ứng được điều kiện này.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách VN (LEFASO) cho biết, từ năm 2020 đến nay, các DN ngành hàng đang cực kỳ khó khăn, không có đơn hàng, không có doanh thu, do đó không thể quyết toán được thuế đúng hạn.
Một vướng mắc khác được nhiều DN đề cập là số giờ làm thêm của người lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, số giờ làm thêm của người lao động trong 1 tháng là không quá 40h. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch liên tục có những giai đoạn bị phong tỏa, giãn cách, hoặc các tình huống phát sinh khác khiến DN bị đình trệ hoạt động. Trong khi đó, ở những thời điểm dịch ổn định, nằm trong phạm vi kiểm soát, cả DN và người lao động đều mong muốn có thể tận dụng tối đa thời gian, đẩy nhanh tiến độ và hiệu suất làm việc. Vì thế, Ban IV kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét cơ chế (hoặc trình xin ý kiến Quốc hội để ban hành cơ chế), cho phép DN sau thời gian giãn cách được chủ động bố trí thời gian làm thêm của người lao động có thể hơn 40 giờ trong 1 tháng để giải quyết các công việc gấp, tồn đọng.
“Việc nới thời gian làm thêm sau khi hết thời gian giãn cách, DN quay trở lại sản xuất, là rất cần thiết. Do thực hiện quy định “3 tại chỗ” nên nhiều DN phải đóng cửa do không thể đáp ứng được đồng thời cả 3 điều kiện. Do đó, khi được trở lại sản xuất thì DN sẽ phải gia tăng sản xuất để bù lại những thiệt hại trong thời gian vừa qua. Do đó, cần có cơ chế mở về thời gian làm thêm của người lao động, giúp DN sớm hồi phục, cũng như tạo điều kiện cho công nhân được cải thiện đời sống”, bà Xuân nhấn mạnh.
Tính đến hết ngày 31/7/2021, ngành BHXH đã gửi thông báo điều chỉnh mức đóng 0% vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11.238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào Quỹ BHTNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng.
Ngành BHXH cũng đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 120 đơn vị với 9.533 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 61,53 tỷ đồng tại 25 tỉnh, thành phố. Xác nhận danh sách cho 175.804 lao động của 10.858 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 55 tỉnh, thành phố. Trong đó, 116.160 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 7.959 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 16.764 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để vay vốn trả lương ngừng việc; 25.877 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động); 9.044 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)