Cần liều thuốc đặc trị “xốc” lại tinh thần trách nhiệm cho cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 31/5, thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có liều thuốc đặc trị căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm nhằm “xốc” lại tinh thần trong bộ phận cán bộ hiện nay. 
Ảnh: quochoi.vn
Ảnh: quochoi.vn

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện KTXH năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn đại biểu Khánh Hòa) nêu rõ, Báo cáo thẩm tra đã phản ánh khá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, những vấn đề KTXH đáng quan tâm và những giải pháp trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2023.

Theo đại biểu Lê Hữu Trí, qua quan sát thực tế, tình hình kinh tế nổi lên một số vấn đề quan tâm. Cụ thể, số liệu những tháng đầu năm nay chỉ ra, số doanh nghiệp (DN) đăng ký rút lui khỏi thị trường gia tăng, trong đó số DN giải thể, phá sản tăng cao; nhiều lao động mất việc làm…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến trạng này, theo đại biểu Lê Hữu Trí, là do có tình trạng trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở nhiều nơi. Chính bất cập này đã góp phần gây “ách tắc” kéo dài khi giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và DN khiến người dân và DN đã và đang khó khăn lại càng khó khăn hơn khi họ phải mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức và thậm chí là mất cơ hội kinh doanh.

“Nhiều trường hợp, sự trì trệ này đã gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân được Hiến pháp quy định”, đại biểu Lê Hữu Trí lo ngại.

Theo đó, để đạt được các mục tiêu trong năm 2023, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; trong đó cần chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh không giải quyết các thủ tục người dân và DN.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình) cho biết, việc chậm giải quyết các công việc, thủ tục hành chính đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu tình trạng kéo dài sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân.

Đề cập về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà Thu cho rằng, có nguyên nhân đến từ các quy định pháp luật do còn có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Do đó, để khắc phục, bà Thu đề nghị cần tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn; có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá.

“Công tác đánh giá cán bộ cũng cần phải được đổi mới, cách đánh giá cần giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng, nếu mình làm vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng”, bà Thu gợi ý.

Cũng lưu ý đặc biệt đến việc khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong xử lý thủ tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có những giải pháp toàn diện để khắc phục tình trạng này.

Theo vị đại biểu này, Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt cho địa phương về thể chế, cơ chế; có liệu pháp đủ mạnh để “xốc” lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, nhất là cần có “liều thuốc đặc trị” hiệu quả căn bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, không để lan ra diện rộng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của địa phương và đất nước.

Tại phiên thảo luận sáng 31/5, nhiều đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị các giải pháp liên quan đến tháo gỡ khó khăn về dòng tiền; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… nhằm hỗ trợ người dân và DN giảm bớt khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư