Cần, kiệm, liêm, chính trong đấu thầu

(BĐT) - "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là chuẩn mực đạo đức truyền thống trong quan hệ "đối với mình", được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, vận dụng và phát triển phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, trở thành chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng. 
Ước tính, có khoảng 250.000 tỷ đồng được tiết kiệm thông qua công tác đấu thầu trong vòng 10 năm qua. Ảnh: Lê Tiên
Ước tính, có khoảng 250.000 tỷ đồng được tiết kiệm thông qua công tác đấu thầu trong vòng 10 năm qua. Ảnh: Lê Tiên

Nhân dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017), xin liên hệ lời dạy này của Bác với công tác đấu thầu.

Chữ “cần” với hàng trăm kế hoạch lựa chọn nhà thầu mỗi ngày

Theo các nguồn tư liệu lịch sử để lại thì “cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của “Đời sống mới” và “Thi đua ái quốc” và được Bác phân tích rõ qua 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên Báo Cứu quốc trong các ngày từ 30/5 đến 2/6/1949 với các tiêu đề lần lượt là: Thế nào là cần, Thế nào là kiệm, Thế nào là liêm và Thế nào là chính.

Trong bài viết về “Cần”, Bác nêu: “Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng”,  và “Công việc bất kỳ to nhỏ, đều có điều nên làm trước, điều nên làm sau. Nếu không có kế hoạch, điều nên làm trước mà để lại sau, điều nên làm sau mà đưa làm trước, như thế thì sẽ hao tổn thì giờ, mất công nhiều mà kết quả ít”.

Trong công tác đấu thầu, liên quan đến “phải có kế hoạch cho công việc”, chúng ta nghĩ đến “kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT)”. Việc lập KHLCNT quả thật là sự sắp xếp “công việc” để biết cái gì cần làm trước, cái gì cần làm sau. Trong KHLCNT có sự phân chia dự án thành các gói thầu, sự phân chia này cần “phải tính toán cẩn thận”, phải “căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ của dự án và có quy mô gói thầu hợp lý”. Việc lập kế hoạch này cũng là vì mục tiêu đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án.

Số liệu thống kê về KHLCNT được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong những năm gần đây cho thấy, hàng năm nước ta có hàng chục ngàn KHLCNT được lập và triển khai thực hiện. Đơn cử năm 2016 có 46.898 KHLCNT được đăng tải trên Hệ thống; từ đầu năm nay đến ngày 15/5 có 20.077 KHLCNT. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hàng trăm KHLCNT được triển khai thực hiện. Nếu từng kế hoạch được lập, triển khai tốt sẽ có tác động tích cực rất lớn, đem lại hiệu quả lớn cho công tác đấu thầu, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. 

“Kiệm” và tiết kiệm hàng trăm ngàn tỷ đồng qua đấu thầu

Chữ “kiệm” trong “cần, kiệm, liêm, chính” được Bác nhắc đến nhiều lần trong nhiều bài viết, tác phẩm của Người. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), ngay chương đầu tiên của Cuốn sách là “Tư cách một người cách mệnh” Bác đã đề cập đến tiêu chuẩn đầu tiên trong tư cách một người cách mệnh chính là: “Tự mình phải: Cần kiệm”. Và để nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải “tiết kiệm”, trong Di chúc, Người viết: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Khi viết về “Kiệm là thế nào?”, Bác chỉ rõ: “Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”.

Trong đấu thầu, như chúng ta biết, mức tiết kiệm trong đấu thầu là mức chênh lệch giữa giá gói thầu và giá trúng thầu. Kể từ ngày Văn phòng Xét thầu quốc gia được thành lập (1/10/1994) với nhiệm vụ quản lý nhà nước về đấu thầu, đến nay đã gần 23 năm. Gần 23 năm qua, theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu – Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT thì công tác đấu thầu đã giúp tiết kiệm đáng kể cho nguồn vốn nhà nước. Mức tiết kiệm đạt được trong đấu thầu ngày càng đáng khích lệ. Tính chung, sau hơn 6 năm thực hiện Luật Đấu thầu 2005, tiết kiệm qua đấu thầu đạt hơn 84.000 tỷ đồng. Trong 3 năm gần đây, giá trị tiết kiệm thông qua đấu thầu ngày càng cao, năm 2013 là gần 33.669 tỷ đồng, năm 2014 là  hơn 35.744 tỷ đồng, năm 2015 là gần 37.123 tỷ đồng. Ước tính, có khoảng 250.000 tỷ đồng được tiết kiệm thông qua công tác đấu thầu trong vòng 10 năm qua. Số tiền này đủ để xây dựng khoảng 1.500km đường cao tốc. Đây là con số hết sức ý nghĩa trong bối cảnh ngân sách khó khăn cần chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả. 

“Cần, Kiệm, Liêm” là gốc rễ của “Chính”

Về chữ “Liêm”, Bác viết: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Mục tiêu của công tác đấu thầu là “cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả”. Sự minh bạch luôn là yếu tố cần được coi trọng.  Pháp luật về đấu thầu đã đưa ra các chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành động “không minh bạch” trong đấu thầu như phạt cảnh cáo, phạt tiền, cấm tham gia đấu thầu...

Về chữ “Chính”, Bác viết: “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Như một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”.

Trong đấu thầu, có “cạnh tranh” thì mới có “công bằng”; đảm bảo được “cạnh tranh, công bằng” thì mới đảm bảo có “minh bạch”; và có “cạnh tranh, công bằng, minh bạch” cũng là để đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án, để đồng tiền của Nhà nước bỏ ra xứng với “bát gạo”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Học tập và làm theo tấm gương của Người, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư gắn với thực tiễn công tác đấu thầu vừa dễ lại vừa khó. Dễ là hoàn toàn có thể vận dụng được trong từng công việc cụ thể như đã phân tích trên đây, nhưng khó, có chăng là khó ở tiêu chí “vượt qua chính mình” để thực hiện công việc một cách khách quan, công tâm.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đấu thầu, có thể bắt đầu từ mỗi gói thầu, mỗi KHLCNT. Như Bác đã viết: “Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to”.

Chuyên đề