Thông tin này vừa được ông Dương Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế chia sẻ với Báo Đấu thầu bên lề cuộc Gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế diễn ra chiều ngày 15/12, tại trụ sở Bộ Y tế.
Vấn đề thiếu vắc xin phục vụ Chương trình TCMR (miễn phí) xảy ra từ đầu năm đến nay tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của đại diện các cơ quan báo chí tại cuộc họp báo.
Bà Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng TCMR Quốc gia. Ảnh: Lê Tiên |
Phản hồi vấn đề này, bà Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng TCMR Quốc gia cho biết, sáng 14/12/2023, Bộ Y tế đã tổ chức tiếp nhận, thông báo kế hoạch tổ chức tiêm chủng 490.600 liều vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) do Chính phủ Úc viện trợ. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ nhận số vắc xin này và thực hiện kế hoạch phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố tổ chức tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 từ tháng 12/2023, dự kiến số vắc xin này đủ sử dụng từ 1 - 2 tháng tới.
Thời gian tới, theo ông Thiện, Bộ Y tế cũng sẽ rà soát nguồn vắc xin, tích cực làm việc với các nhà tài trợ trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho Chương trình.
Ông Dương Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế. Ảnh: Lê Tiên |
Đối với vắc xin có khả năng sản xuất trong nước (10 loại vắc xin), Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng (quy trình gồm 9 bước). Bộ Y tế đã thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể. Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để giải quyết, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2023. Tháng 1/2024 sẽ hoàn thành việc mua sắm theo hình thức đặt hàng đối với 10 loại vắc xin sản xuất trong nước.
“Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất 10 loại vắc xin trong nước đã sẵn sàng về số lượng mà các tỉnh, thành phố đã đề xuất nhu cầu đến tháng 6/2024, chỉ chờ phương án giá được phê duyệt để ký hợp đồng cung ứng với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. So với trước, giá một số vắc xin có cao hơn, do nhà sản xuất cập nhật lại chi phí sản xuất theo hướng tính đúng, tính đủ cho phù hợp với thực tế, vì trong hơn chục năm nay gần như giá không thay đổi. Tùy theo từng loại, mức giá có thể cao gấp 2 - 6 lần, nhưng mặt bằng chung vẫn thấp hơn so với vắc xin dịch vụ, vắc xin nhập khẩu”, ông Thiện chia sẻ thêm.
Về lâu dài, để giải quyết căn cơ đối với việc cung ứng vắc xin phục vụ Chương trình TCMR, ông Dương Đức Thiện cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo kinh phí mua vắc xin cho Chương trình.
“Kinh nghiệm rút ra từ việc thiếu vắc xin TCMR xảy ra trong thời gian qua là phải giao ngân sách sớm, cấp kinh phí ngay từ đầu năm. Nếu được giao ngân sách sớm thì Bộ Y tế sẽ sớm tiến hành đặt hàng hoặc đấu thầu mua sắm vắc xin phục vụ đủ cho Chương trình. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện cung ứng vắc xin theo các quy định hiện hành; tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động trong giám sát, phát hiện dịch và đáp ứng, triển khai các biện pháp về tiêm chủng vắc xin cho đối tượng nguy cơ cao tại ổ dịch để khoanh vùng, không để bệnh lây lan”, ông Thiện cho biết.
Căn cứ nhu cầu theo đề xuất và thực tiễn triển khai của 63 tỉnh/thành phố, Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và đã xây dựng kế hoạch phân bổ vắc xin theo nhu cầu và hướng dẫn các địa phương triển khai theo thứ tự ưu tiên.
Theo kết quả giám sát của Chương trình TCMR, tỷ lệ tiêm chủng trên quy mô toàn quốc đến nay đã đạt được 66%. Riêng vắc xin có thành phần tương tự như vắc xin 5 trong 1 (phòng 3 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm) đã đạt được hơn 52,6%. Ở nhiều tỉnh, thành phố, số lượng bà mẹ đưa con đi tiêm chủng vắc xin dịch vụ với thành phần tương tự chiếm tới 60 - 70%. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo, các bà mẹ tiêm chủng sớm cho trẻ để phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.