"Cần đủ tỉnh táo để nhận ra đúng - sai trong đấu thầu"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm trong hoạt động đấu thầu. Đây là những bài học đắt giá, đáng báo động và là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều cá nhân, tổ chức khi tham gia tổ chức đấu thầu, mua sắm.

Dưới đây là góc nhìn của ThS. Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Sa chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu về vấn đề này.

Theo ThS. Luật sư Hoàng Trọng Giáp, câu chuyện vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu không còn là vấn đề xa lạ, có thể kể đến các vụ đại án điển hình gần đây như: vụ án đấu thầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế của Công ty Việt Á với các Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của một số tỉnh thành; vụ án vi phạm quy định về đấu thầu vật tư y tế, vật tư tiêu hao với tổng giá trị lên tới 1.500 tỷ đồng tại Bệnh viện Tim Hà Nội; vụ án liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học tại Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên,…

Luật sư Hoàng Trọng Giáp

Luật sư Hoàng Trọng Giáp

“Đây là câu chuyện không hề mới về tham nhũng, nhưng nó lại xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khi cả nước đang căng mình chống đỡ, dập dịch. Việc một số thành phần lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi là điều đáng phải lên án. Những vụ việc này cũng cho thấy, trong công tác đấu thầu, cần đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là đúng, đâu là sai để không dính vào lao lý”, Luật sư Hoàng Trọng Giáp nhìn nhận.

Để xử lý các hành vi liên quan đến tham nhũng, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã đưa ra các chế tài như: Điều 222 quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 354 quy định về tội nhận hối lộ; Điều 364 quy định về tội đưa hối lộ; và một số tội về lạm dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn theo quy định tại Điều 355, 356…

Đối với các tội danh đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn, hay vi phạm trong hoạt động đấu thầu, khung hình phạt đều từ 10 năm tù đến chung thân, tử hình. Ngoài ra, khi xử lý các hành vi này, pháp luật còn quy định chế tài phạt tiền từ 10 triệu đồng cho đến thu hồi toàn bộ tài sản, cách chức, cấm đảm nhận chức vụ, công việc có thời hạn.

Theo đánh giá của Luật sư Hoàng Trọng Giáp, mức độ xử phạt như vậy đối với các tội danh trên là hoàn toàn đủ sức để răn đe, giáo dục mạnh mẽ. Nhưng vấn đề của các vụ việc vi phạm không chỉ xét mỗi yếu tố hình phạt răn đe hay chưa, mà điều quan trọng hơn là sự tha hóa, biến chất của một bộ phận người có chức vụ, sự bất chấp vì lợi ích cá nhân đã làm cho họ sai lầm nối tiếp sai lầm. Thậm chí, một số người còn thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật đến mức không đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là đúng, đâu là sai.

Do đó trong thời gian tới, về phía các cơ quan chính quyền, Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho rằng, cần tập trung thực hiện quyền và nghĩa vụ giám sát, thanh tra, điều tra các vụ việc một cách nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, cần xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật đến với những đối tượng có nguy cơ xảy ra sai phạm về tham nhũng để vừa nhắc nhở, vừa răn đe họ.

Đối với các cá nhân, doanh nghiệp, cần đề cao tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng và tội phạm về tham nhũng. Tích cực phát hiện, phản ánh, tố giác những hành vi có dấu hiệu sai phạm đến cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tăng cường sự học hỏi, hiểu biết pháp luật để có thể nắm được những quy định đúng sai trong quá trình hoạt động, kinh doanh.

Chuyên đề