Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự để lắng nghe và chỉ đạo tại Hội nghị. |
Theo báo cáo của Bộ Y tế trình bày tại Hội nghị, cho đến nay, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo. Cơ cấu bệnh tật thay đổi, quy mô dân số gia tăng, tác động của dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine… đã và đang tạo sức ép rất lớn đối với công tác y tế.
Về nội tại, hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện, còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, đặc biệt là mua sắm, đấu thầu, liên doanh - liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công; chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Vắc xin cho tiêm chủng mở rộng chậm được cung cấp, giá vắc xin chưa được điều chỉnh trong nhiều năm. Số lượng hồ sơ đăng ký thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế lũy kế qua nhiều năm còn lớn, chưa được giải quyết dứt điểm.
Nguồn lực đầu tư cho y tế còn thấp, chưa đủ nguồn lực phục vụ người dân. Đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa bảo đảm. Phương thức chi trả dịch vụ y tế chậm đổi mới, chậm hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản và điều chỉnh giá dịch vụ y tế để tính đúng, tính đủ, phù hợp với thực tế. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực y tế chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ của một số dự án vẫn còn kéo dài…
Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Ngành công nghiệp dược, sản xuất trang thiết bị y tế trong nước hiện mới chỉ sản xuất được một số trang thiết bị thông dụng, hàm lượng công nghệ còn thấp, độ tin cậy chưa cao và việc kiểm định, kiểm chuẩn trang thiết bị chưa được chú trọng đúng mức…
Như vậy, những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức của ngành y tế hiện nay là do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Do đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, việc cần làm nhất lúc này là cần xác định rõ các vấn đề bất cập và đề xuất các giải pháp khả thi, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nổi cộm hiện nay trong ngành y tế.
Trong đó, 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2023 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định rõ tại Hội nghị.
Cụ thể, một là tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp, cơ quan, đơn vị ngành y tế trên cơ sở bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, pháp luật của Nhà nước.
Hai là tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác phù hợp trong tình hình mới, đặc biệt trong điều kiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế không còn thực hiện, nguồn lực cho công tác y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế.
Ba là tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, các dự án luật, các văn bản dưới luật để tạo hành lang pháp lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Ngành.
Bốn là nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Năm là tập trung xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở; từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện Đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, một số bệnh viện sẽ phải sáp nhập về địa phương. Đồng thời đề xuất các chính sách nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Sáu là đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong điều kiện nguồn lực cho công việc còn rất hạn chế. Tăng cường truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Nâng cao công tác đào tạo nhân lực ngành y tế. Tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế.
“Những nhiệm vụ đặt ra cho năm nay và những năm tới đối với ngành y tế là rất nặng nề”, bà Đào Hồng Lan nhận định.
Để thực hiện được khối lượng công việc rất lớn trong năm 2023, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, ngành y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự chia sẻ và đồng thuận của người dân để ngành y tế phục hồi và phát triển bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong thời gian tới.
“Càng khó khăn càng phải thống nhất, đoàn kết, tất cả cán bộ y tế cần nêu cao y đức, tinh thần quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ toàn ngành”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan kêu gọi.