Cần có thêm cơ chế khuyến khích đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Với những định hướng và mục tiêu đã có, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, hiện chúng ta đã có đủ điều kiện tiên quyết để phát triển ngành công nghiệp dược. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã đề xuất nhiều giải pháp chính sách mang tính vượt trội, khác biệt so với pháp luật hiện hành, nhưng nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng như thế vẫn chưa đầy đủ.
Việt Nam sở hữu hiện tại chỉ có 228 nhà máy đạt chuẩn GMP
Việt Nam sở hữu hiện tại chỉ có 228 nhà máy đạt chuẩn GMP

Tập trung đầu tư vào các thuốc xã hội cần và có giá trị kinh tế cao

Trên thế giới, ông Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (ĐBQH đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, hiện có những công ty rất lớn, ví dụ như Công ty Roche có doanh thu đến 68,5 tỷ USD và chiếm trên 7% GDP của Thụy Sĩ, hay AstraZeneca của Mỹ doanh thu hằng năm lên tới 45,8 tỷ USD và phấn đấu trong vòng 5 năm nữa đạt 80 tỷ USD và rất nhiều các công ty khác nữa. Dự kiến năm 2027, thị trường dược phẩm toàn cầu Bắc Mỹ chiếm khoảng 992 tỷ USD, châu Âu là 335 tỷ USD, Đông Nam Á và Đông Á là 270 tỷ USD, Trung Quốc 190 tỷ USD và Nhật Bản là 70 tỷ USD. Ở gần nhất là Singapore, hiện tại họ có 350 công ty sản xuất và năm 2000 doanh thu của họ chỉ 2,8 tỷ USD và năm 2018 là 15,7 tỷ USD, năm 2024 là 20 tỷ USD. Còn Việt Nam, năm 2015 chúng ta chỉ có 2,7 tỷ USD và năm 2024 là 7 tỷ USD, còn thấp so với khu vực và thế giới, so với tiềm năng, đặc biệt chúng ta có dân số là 100 triệu. Đồng thời do tuổi thọ của người dân đã lên đến 73 - 74 tuổi rồi cho nên cơ cấu về bệnh tật gần giống như các nước phát triển cho nên nhu cầu sử dụng thuốc cũng tương đương như các nước họ.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam thì Việt Nam sở hữu hiện tại chỉ có 228 nhà máy đạt chuẩn GMP, được tính vào năm 2023. Trên thị trường thuốc sản xuất nội địa chủ yếu là các thuốc generic giá trị thấp, chiếm 70% tổng số lượng thuốc sử dụng trên thị trường nhưng về giá trị chiếm chỉ khoảng 46%, trong khi đó thuốc nhập khẩu chiếm 54% tổng giá trị thị trường dù thị phần ở mức 30%, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt vì có hàm lượng hoạt chất nhỏ nhưng có tác dụng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đồng thời, thuốc có hàm lượng khoa học, công nghệ, trí tuệ cao nên giá trị sử dụng cũng cao.

Vì vậy, Đại biểu Phạm Như Hiệp khuyến nghị, để phát triển công nghiệp dược, cần chú ý là tập trung đầu tư vào các thuốc xã hội cần và có giá trị kinh tế cao như: thuốc có nguồn gốc dược liệu, thuốc sinh học, vắc xin, sinh phẩm y tế, các thuốc sản xuất nhượng quyền, thuốc chuyển giao công nghệ, thuốc có dạng bào chế đặc biệt, nguyên liệu làm thuốc generic chuyên khoa đặc trị có hàm lượng nhỏ. Đồng thời, cần duy trì đổi mới tư duy, đổi mới khoa học công nghệ trong vấn đề sản xuất thuốc generic tạo ra nhiều sản phẩm mới đặc thù, dần dần tiến tới sản xuất thuốc phát minh. Nghiên cứu gắn liền với nhu cầu của thị trường, nên các nhà khoa học cần phải gắn với doanh nghiệp để nghiên cứu phát triển sản phẩm mới của Việt Nam. Sản phẩm nhượng quyền, chuyển giao công nghệ cần đầu tư tập trung từ đầu đến khi sản phẩm cuối cùng để thương mại hóa.

“Tư duy trong xây dựng cơ chế chính sách cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với xu hướng đổi mới sáng tạo, tạo ra được bước đột phá trong việc phát triển ngành dược, tương tự như ngành bán dẫn... Trong đó, cần có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư y tế, các hoạt động dịch vụ trong nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm tương đương sinh học”, Đại biểu Nguyễn Như Hiệp nhấn mạnh.

Để đảm bảo vấn đề an ninh và tự chủ một phần nguyên liệu làm thuốc, chúng ta cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu cho ngành thuốc. Song song với sửa đổi Luật Dược thì chúng ta cần sửa đổi hoặc bổ sung các luật như Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh...

Trong khi đó, Khoản 5 Điều 1 Dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 7 Luật Dược năm 2016, trong đó dự thảo luật đưa ra bổ sung rất nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ưu đãi đầu tư, chính sách thuế, đào tạo nhân lực. Nhưng để các chính sách này có thể triển khai trên thực tế, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Văn Cường - Thanh Hoá cho rằng, cần phải quy định cụ thể những ưu đãi đó là gì, trình tự, thủ tục hồ sơ, điều kiện để được thụ hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Về mặt kỹ thuật, có những chính sách không thể quy định cụ thể ngay trong Luật, mà phải quy định tại các văn bản dưới luật hoặc dẫn chiếu tới các quy định của các luật khác có liên quan. Tuy nhiên, tại Luật Dược hiện hành cũng như Dự thảo Luật chưa quy định rõ việc giao quy định chi tiết các chính sách này hoặc chưa dẫn chiếu tới các quy định của luật khác có liên quan. “Do vậy, tôi đề nghị cần phải quy định cụ thể trong dự thảo luật việc giao cho Chính phủ hoặc các bộ, ngành có thẩm quyền quy định chi tiết những chính sách của Nhà nước về dược”, Đại biểu Cường nêu.

Mở rộng dịch vụ bảo quản và vận chuyển đối với các nhà đầu tư FDI

Để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng mở rộng một bước quyền của các cơ sở này trong dự thảo luật để tạo sự minh bạch trong quản lý, thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, xu hướng mở cửa thị trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Trần Khánh Thu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình (đoàn Thái Bình), Ban soạn thảo cần nghiên cứu và điều chỉnh nội dung của Dự thảo luật cho phù hợp và bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về thương mại, nhất là về nội hàm của hoạt động phân phối, vận chuyển, bảo quản, gia công hiện nay đang quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Thương mại. Đồng thời, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo việc thực hiện quyền của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam đã cam kết tại các điều ước quốc tế, trong đó có điều ước CPTPP và EVFTA.

Theo ĐBQH Trần Khánh Thu, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN chưa mở cửa cho dịch vụ phân phối thuốc. Theo các Hiệp định thương mại tự do của WTO, CPTPP, EVFTA Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho phân phối dược phẩm nhưng không bảo lưu quyền tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logictics. Thực hiện cam kết với WTO, kể từ ngày 11/01/2014, Việt Nam đã bỏ hạn chế về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logictics và Việt Nam không còn hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Do đó, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo đánh giá tác động của việc thực hiện Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đối với nội dung các doanh nghiệp FTA không được cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc, số lượng doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ này quy mô. Và tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi các nước thực hiện chính sách này có tác động thế nào đến mục tiêu quốc gia về phát triển công nghiệp dược?

“Việc tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát huy sự tự chủ, nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển, không chỉ của doanh nghiệp trong nước mà cả ngành công nghiệp dược. Nên chăng, chúng ta cân nhắc việc mở rộng từng bước quyền của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài, cho phép mở rộng dịch vụ bảo quản và vận chuyển đối với các nhà đầu tư doanh nghiệp FDI có đủ năng lực về kho bãi, cơ sở trung tâm trung chuyển hàng hóa nhằm thúc đẩy việc huy động và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước”, đại biểu Thu nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư