Cần có cơ chế cởi mở để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

(BĐT) - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những yêu cầu của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Mặc dù trong thời gian gần đây, thương mại điện tử đã có những tăng trưởng vượt bậc, nhưng thanh toán điện tử vẫn chưa tương xứng. Do đó, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) kiến nghị cần có cơ chế khuyến khích DN cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, thay vì hạn chế.

Theo các chuyên gia, hiện có 5 rào cản lớn đối với phát triển dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam.  Ảnh: Trần Nam.
Theo các chuyên gia, hiện có 5 rào cản lớn đối với phát triển dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam. Ảnh: Trần Nam.

Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, vấn đề này một lần nữa lại “nóng” lên bởi sự quan tâm của rất nhiều DN, hiệp hội DN và các chuyên gia, luật sư.

5 rào cản chính đối với thanh toán điện tử tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng rất nhanh lên tới 25-30% mỗi năm. Tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2018 đạt 8 tỷ USD.

Theo dự báo, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng mỗi năm đạt 30 - 35%, lên ngưỡng 33 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực ASEAN, chỉ sau Indonesia, Thái Lan.

Tuy nhiên, thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn lớn, chiếm 70 - 80% giao dịch thương mại điện tử. Thanh toán tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán giảm khoảng 11,6%, có giảm so với thời kỳ trước đây nhưng mức độ giảm còn khá chậm. Trong khi đó, lượng tiền mặt trong lưu thông so với quy mô nền kinh tế (GDP) lại có xu hướng tăng lên, khoảng 19% năm 2017.

Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nêu trên của thanh toán điện tử tại Việt Nam trong vài năm gần đây, nhưng theo ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, vẫn còn rất nhiều rào cản để có sự bứt phá.

“Hiện có 5 rào cản chính”, ông Lực chỉ ra. “ Thứ nhất là thói quen dùng tiền mặt của người dân. Thứ hai là độ bao phủ của dịch vụ ngân hàng còn thấp. Thứ ba là chưa tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Thứ tư là khu vực kinh tế phi chính thức còn lớn. Thứ năm là hành lang pháp lý chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ”.

Cần cân nhắc phương án mở mang tính khuyến khích

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, thanh toán là khâu then chốt trong mỗi giao dịch kinh tế, do đó, hoạt động thanh toán phát triển mạnh mẽ và bền vững hay không phụ thuộc việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này.

Trong những năm vừa qua, lĩnh vực trung gian thanh toán đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và nền kinh tế số tại Việt Nam. Do đó, việc hoàn thiện Dự thảo Thông tư hết sức quan trọng, một mặt cần đảm bảo an toàn cho người dùng, nhưng mặt khác cũng cần tạo thuận lợi để giao dịch trực tuyến phát triển theo định hướng của Chính phủ.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) tỏ ra băn khoăn về sự tương thích giữa Dự thảo Thông tư sửa đổi với chủ trương của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, giảm bớt rào cản để khuyến khích DN phát triển. Quan điểm của Ban soạn thảo cho rằng ví điện tử chỉ được dùng cho giao dịch nhỏ, thế nhưng ông Tuấn cho rằng, hiện chưa có quy định về vấn đề này. Việc đặt điều kiện kinh doanh mới là thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chính phủ đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, do vậy, NHNN cần cân nhắc thời điểm ban hành Thông tư cho hợp lý.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, yêu cầu xác thực thông tin người dùng là rất khó thực hiện. Thực tế, người dùng đã khai báo thông tin cá nhân khi mở tài khoản ngân hàng và đăng ký sử dụng thuê bao điện thoại. Muốn thu thập thông tin cho một tài khoản ngân hàng, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính – Ngân hàng, Công ty Ernst&Young Việt Nam cho biết, ngân hàng phải chi 300.000 đồng, chưa kể các chi phí lưu trữ, quản lý phát sinh theo thời gian. Do đó, thủ tục xác minh khách hàng là không cần thiết, gây phát sinh chi phí cho DN và xã hội.

Đồng thuận với quan điểm này, đại diện Công ty CP Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion - đơn vị sở hữu ví điện tử Payoo) cho rằng, thay vì yêu cầu xác minh lại khách hàng, thì giải pháp cần có là xây dựng cơ chế kết nối để ngân hàng, nhà mạng và các DN trung gian thanh toán có thể chia sẻ dữ liệu và cùng sử dụng thông tin khách hàng.

Một số DN lại bày tỏ lo ngại sẽ bị đối xử bất bình đẳng, thiếu cạnh tranh trong lĩnh vực này. Nhất là khi các ngân hàng thương mại tự mở ví điện tử nhưng lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Thông tư sửa đổi. Hay nỗi băn khoăn về việc mở rộng ví điện tử không có tài khoản ngân hàng, cho phép DN viễn thông thí điểm, giao dịch xuyên biên giới, chuyển tiền giữa hai ví và tài khoản, thu hộ và chi hộ... “Khách hàng có nhất thiết có tài khoản ngân hàng không?”, ông Kiên – Phó Giám đốc Vietel Telecom nêu vấn đề.

Giải đáp những thắc mắc này, ông Dũng cho biết, NHNN đã trình Đề án về tiền điện tử (mobile money) lên Chính phủ, và đang lấy ý kiến các bộ ngành về cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho fintech. NHNN về cơ bản là ủng hộ, sẽ trình Chính phủ và thực hiện thí điểm ví điện tử không có tài khoản ngân hàng. “Chính sách của NHNN luôn đặt mục tiêu khuyến khích thanh toán điện tử phát triển”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan soạn thảo cũng đặc biệt lưu ý với các DN về việc thận trọng giám sát đối với những hành vi bất hợp pháp, đáng ngờ. Các DN Fintech khởi nghiệp thường rất nhiệt huyết, cứ nghĩ công nghệ thông tin chạy là được, mà không có cán bộ pháp chế, quản lý rủi ro.

“Chúng ta đang nói đến quá nhiều về bùng nổ, về phát triển nhưng cũng không được quên đi tính an toàn. Chúng ta nắm giữ tiền của hàng triệu người, nếu hệ thống tắt một cái thì dân sẽ đòi ai. Tiền của người dân phải luôn được đảm bảo”, ông Dũng lưu ý.

Chuyên đề