Cần chế tài răn đe nhà thầu “bán rẻ” uy tín và danh dự

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực tế đấu thầu cho thấy, có không ít nhà thầu lớn, có bề dày kinh nghiệm trúng thầu nhưng vẫn sẩy chân tại những gói thầu “vừa sức” hoặc “dưới tầm” với nhiều lỗi sơ đẳng. Nhiều chuyên gia đấu thầu đã đặt nghi vấn về tình trạng cho mượn hồ sơ, cần có chế tài để ngăn ngừa và răn đe những hành vi sai trái, “bán rẻ” uy tín và danh dự của một số nhà thầu.
Không ít nhà thầu lớn, có bề dày kinh nghiệm trúng thầu nhưng vẫn sẩy chân tại những gói thầu “vừa sức” hoặc “dưới tầm” với nhiều lỗi sơ đẳng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Không ít nhà thầu lớn, có bề dày kinh nghiệm trúng thầu nhưng vẫn sẩy chân tại những gói thầu “vừa sức” hoặc “dưới tầm” với nhiều lỗi sơ đẳng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, có rất nhiều lý do trượt thầu. Chẳng hạn, với các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công, nhà thầu thường đề xuất giá dự thầu vượt xa giá gói thầu. Hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu tiến độ thực hiện công trình là 12 tháng, nhà thầu đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng tới 16 - 18 tháng… Khi bên mời thầu thấy hồ sơ dự thầu (HSDT) có một số điểm bất thường và yêu cầu làm rõ, thậm chí nhiều lần yêu cầu làm rõ bằng văn bản, nhà thầu vẫn phớt lờ, dẫn đến kết quả là bị đánh trượt.

Trả lời phóng viên về việc chào vượt giá gần 10% giá gói thầu, nhà thầu cho biết, giá dự thầu được xây dựng trong bối cảnh giá nhân công và giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi dự toán được duyệt của nhiều hạng mục thuộc Gói thầu lại rất thấp.

Theo chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng, chẳng có nhà thầu nào thực tâm dự thầu, biết rõ mình trượt mà vẫn nộp HSDT, nhất là khi gói thầu đó nằm trong tầm năng lực của mình. Lẽ tự nhiên, khi thấy giá dự toán của gói thầu thấp, nghĩa là “đề bài” không hấp dẫn (làm không có lãi hoặc lỗ), nhà thầu sẽ không tham dự thầu. Ở trường hợp này, nhà thầu thấy dự toán gói thầu thấp hơn thị trường, vẫn bỏ ra các loại chi phí để làm HSDT và gần như chủ động nhận kết quả bị loại khi giá chào thầu vượt xa giá gói thầu.

Tại một công trình giao thông hơn 50 tỷ đồng ở Đà Nẵng, 3 lần bên mời thầu có văn bản yêu cầu làm rõ HSDT nhưng một nhà thầu tham dự vẫn im lặng cho đến quá thời hạn làm rõ HSDT, sau đó bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu và trượt thầu. Đây là nhà thầu giàu kinh nghiệm, từng thực hiện nhiều gói thầu hàng trăm tỷ đồng ở các tỉnh, thành cả nước.

Trả lời phóng viên, một cán bộ của nhà thầu này cho biết, do nhiều người tham gia vào quá trình lập HSDT, dẫn đến những sai sót không đáng có trong việc dự thầu. Nhà thầu biết rằng, nếu tiến hành làm rõ thì cũng sẽ bị loại nên từ chối quyền làm rõ vì còn bận thi công nhiều công trình khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Luật sư Nguyễn Hồng Chung - Chủ tịch HĐQT DVL Group cho rằng, hiện tượng nhà thầu lớn cho mượn hồ sơ làm “quân xanh” thường xảy ra ở các gói thầu tổ chức đấu thầu trực tiếp. Để không phải xử lý tình huống khi có ít hơn 3 nhà thầu nộp HSDT, một số nhà thầu “quân đỏ” đã nhờ vả, giàn xếp thêm 2 nhà thầu “quân xanh” cho đủ bộ ba đấu thầu. Thực tế cho thấy, để chuẩn bị được một bộ HSDT đầy đủ, đáp ứng yêu cầu sẽ cần rất nhiều nguồn lực và chi phí, đặc biệt là khi tham dự các gói thầu có quy mô lớn. Vì không thực tâm đấu thầu nên nhà thầu sẵn sàng làm HSDT với những sai sót lớn hoặc lỗi không đáng có để trượt thầu. Đây thực chất là một kiểu thông thầu - hành vi bị nghiêm cấm theo Khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, việc phát hiện, phối hợp giữa các bên liên quan để xác minh và làm rõ bản chất của hành vi này là điều không dễ dàng.

Ông Lê Văn Tăng cho rằng, cần phải có chế tài răn đe hành vi cho mượn hồ sơ để dự thầu, phải lên án mạnh mẽ những nhà thầu lớn “bán rẻ” uy tín và danh dự của mình. Bên cạnh việc phối hợp và quyết liệt của tổ chuyên gia, bên mời thầu - đơn vị trực tiếp đánh giá HSDT, cần có chế tài để tăng cường công khai thông tin về các cuộc thầu, nêu chi tiết, cụ thể lý do trượt thầu, thống kê số lượng, quy mô gói thầu mà các nhà thầu từng tham gia (trúng thầu và trượt thầu để đối chiếu). Có như vậy mới gia tăng sự giám sát của cộng đồng, của các cơ quan chức năng tại mỗi cuộc thầu, là liều thuốc ngăn ngừa tình trạng nhà thầu cho mượn HSDT.

Chuyên đề