Các cơ sở dệt nhuộm rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Tiên Giang |
Ông Trần Toàn Thắng, Phó Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nêu quan điểm cần cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường trong thu hút FDI.
Quan điểm của ông thế nào trước vụ cá chết hàng loạt, nhà máy sản xuất thép, cơ sở dệt nhuộm gây ô nhiễm xảy ra liên tiếp gần đây?
Những vụ việc gây ô nhiễm môi trường vừa qua đã cho thấy nhiều bất cập trong thu hút và quản lý dự án FDI tại các địa phương, đặc biệt là vấn đề môi trường.
Hiện nay, việc thu hút và quản lý dự án FDI đã được phân cấp mạnh mẽ cho UBND cấp tỉnh và ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Phân cấp không phải là xấu, mục đích là nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương trong thu hút đầu tư; tạo cơ chế một cửa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đáp ứng kịp thời yêu cầu, nguyện vọng của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, khiến các tỉnh, thành phố đua nhau xúc tiến đầu tư, “chạy” dự án FDI… dẫn đến tình trạng “cuộc đua xuống đáy”, bất chấp quy tắc, lôi kéo dự án FDI về địa phương mình bằng mọi giá. Nếu phân cấp không đi đôi với giám sát, thì việc phân cấp là phản tác dụng.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi thu hút FDI nhằm phát triển kinh tế trong nước gắn liền với bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như sản xuất điện gió, hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, công nghệ cao, tiêu tốn ít nhiên liệu, năng lượng… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng các dự án FDI chưa được cải thiện nhiều, có xu hướng chững lại, thậm chí đi xuống. Phần lớn doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào các ngành thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ lạc hậu như may mặc, da giày, thủy sản…
Nguyên nhân của thực trạng này có cả vai trò định hướng của Nhà nước, tính pháp lý và công cụ đánh giá, giám sát mức độ tổn hại đến môi trường.
Vai trò định hướng của Nhà nước hiện chưa phát huy được nhiều, thậm chí còn bị bóp méo. Cơ chế xin - cho, đặt hàng dự án FDI cũng là một tác nhân dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, bất chấp quy tắc của các địa phương.
Bên cạnh đó, vai trò giám sát của Nhà nước cũng chưa được toàn diện. Nhà nước phải thường xuyên giám sát việc phát thải của DN, vì thực tế có những DN đã xây dựng hệ thống xử lý phát thải, nhưng họ có vận hành hệ thống này trong quá trình hoạt động hay không lại là chuyện khác, bởi chi phí vận hành hệ thống này khá đắt đỏ, tốn kém.
Một nguyên nhân khác của thực trạng dự án FDI gây ô nhiễm môi trường là công cụ pháp lý chưa đủ sức răn đe. Thực tế, pháp luật chỉ mới quy định việc xử phạt đối với hành vi phát thải mà chưa có chế tài xử lý người cấp phép cho dự án FDI không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Hay theo quy định, các nhà đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được cơ quan chức năng thẩm định, nhưng thực tế vẫn có dự án FDI còn nợ báo cáo, có khi các báo cáo còn giống nhau như đúc, nhưng chúng ta cũng chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc việc làm này.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của dự án FDI trong phát triển kinh tế. Nhưng làm thế nào để có thể cân bằng được lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường?
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia được thụ hưởng lợi ích nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, da giày… Điều này lý giải vì sao thời gian qua các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt “đổ bộ” vào Việt Nam để đầu tư các nhà máy, cơ sở sản xuất nguyên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư này thường có công nghệ trung bình, thậm chí là trung bình thấp, các cơ sở sản xuất nguyên liệu đầu vào thường có khối lượng phát thải lớn, khả năng gây ô nhiễm môi trường cao. Do đó, Việt Nam đang đứng trước ranh giới mềm, phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Để cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường trong thu hút FDI, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn về công nghệ, mức độ phát thải với quy trình kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt nhuộm, thép, xi măng...