Cải thiện chất lượng tư vấn bắt đầu từ… đơn giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 19/5/2023 đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý dự án nói chung, tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng nói riêng. Theo đó, để lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những bất cập trong công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án, đặc biệt đối với ngành giao thông vận tải (GTVT), Thủ tướng yêu cầu sự vào cuộc của các bộ: Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Giai đoạn khảo sát và thiết kế có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với tiến độ, chất lượng của mỗi công trình. Ảnh: Nhã Chi
Giai đoạn khảo sát và thiết kế có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với tiến độ, chất lượng của mỗi công trình. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều vết sạn từ khâu đầu tiên

Năm 2023, “sự cố” cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập nước đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến công tác khảo sát, thiết kế. Theo Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện Chủ đầu tư), tại lý trình Km 25+419, nước từ hạ lưu không thoát kịp, chảy ngược lại phía thượng lưu, tràn ra đường cao tốc gây ngập cục bộ. Vùng hạ lưu cống Km 25+419 có mương, suối hiện hữu (nằm ngoài phạm vi dự án) thoát nước ra cầu sông Phan tại Km 24+384.

Trong khi đó, Bộ GTVT cho biết, để xác định mực nước thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế đã thực hiện điều tra khảo sát mực nước lũ lịch sử cao nhất vào năm 1992 tại vị trí cống là 43,14 m và tính toán khẩu độ cống. Tại lý trình Km 25+419, khẩu độ cống 2,5 x 2,5m là đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía thượng lưu cao tốc. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra ngập, dù lượng mưa chưa đạt tới tần suất tính toán nhưng cao độ đã lên đến 45,23 m. Đây là yếu tố bất thường, khó lường, bất khả kháng. Bộ GTVT xác định trách nhiệm thuộc về đơn vị tư vấn dù không cố ý.

Trước đó, nguyên nhân sự cố sụt lún trụ cầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu qua sông Cái Đôi Vàm huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) được UBND tỉnh Cà Mau và Bộ GTVT kết luận là do khâu khảo sát, thiết kế chưa phù hợp, khiến nhà thầu không tiên lượng được hiện trạng địa chất khu vực triển khai. Nhiều công trình ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất nền đất yếu, phức tạp nhưng công tác khảo sát, thiết kế vẫn còn nhiều “sạn”. Theo một số chủ đầu tư, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là áp lực tiến độ cũng như chi phí eo hẹp.

Tại Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống (TP. Thủ Đức, TP.HCM), khâu khảo sát, lập thiết kế tồn tại nhiều bất cập khi nhà thầu tư vấn không dự liệu, tính toán đầy đủ liên quan đến nền đất yếu, không đồng nhất đã khiến nhà thầu thi công sa lầy, phát sinh chi phí quá lớn và Dự án chậm tiến độ kéo dài…

Trao đổi với phóng viên, nhiều đơn vị, địa phương cho biết, dù khảo sát, thiết kế là lĩnh vực đòi hỏi đội ngũ lao động trình độ cao, công việc cần chính xác tuyệt đối, nhưng vì đơn giá, định mức chưa tương xứng dẫn tới khó thu hút nhân sự giỏi, toàn tâm với công việc để giảm thiểu sai sót, lỗi nghiệp vụ, lỗi dữ liệu…

Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), cách tính định mức chi phí tư vấn trong đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập, là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều đồ án thiết kế chưa đạt chất lượng. Thực tế, trong thực hiện đầu tư xây dựng công trình, chi phí cho giai đoạn khảo sát và thiết kế là rất nhỏ so với tổng mức đầu tư, nhưng lại là khâu tập trung hàm lượng chất xám lớn. Mức độ ảnh hưởng của giai đoạn thiết kế đến toàn bộ hoạt động xây dựng là bao trùm và kéo dài suốt tuổi thọ công trình. Giải pháp thiết kế có chất lượng tốt nhất là phương án tối ưu hóa về kinh tế - kỹ thuật - công năng sử dụng... Tuy vậy, với định mức, đơn giá áp dụng hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đánh giá, nhà thầu tư vấn không thể thu hút, giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Điều này dẫn tới tình trạng một số nơi lựa chọn nhà thầu tư vấn thiếu năng lực, kinh nghiệm, làm cho hồ sơ thiết kế không bảo đảm chất lượng, phải chỉnh sửa nhiều lần; một số đơn vị tư vấn không khảo sát kỹ hiện trạng nên thiết kế không phù hợp với địa hình hiện hữu.

Cần thay đổi cách tính định mức chi phí tư vấn

Trong thời gian dài, Bộ GTVT đã có nhiều chỉ đạo để tăng cường chất lượng công tác tư vấn khảo sát, thiết kế. Theo đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải nâng cao chất lượng trong việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, bảo đảm đầy đủ số liệu khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, mỏ vật liệu, bãi đổ thải… theo đúng quy định, nhất là các khu vực nền đất yếu, có điều kiện địa chất phức tạp. Đối với các khu vực xử lý nền đất yếu, khan hiếm nguồn vật liệu đắp nền, khu vực tránh lũ, thoát lũ..., cần nghiên cứu so sánh các phương án, giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là phương án cầu cạn, để lựa chọn phương án tối ưu, bảo đảm về yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài.

Nhiều ý kiến cho rằng, để có một công trình tốt, trước hết các chủ đầu tư phải lựa chọn được đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, thẩm tra thiết kế có đủ năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, để làm được điều này, theo Giáo sư Hà Ngọc Trường, Viện phó Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, cần có cải cách mạnh mẽ về đơn giá, định mức, đặc biệt là chi phí cho nhân sự triển khai.

Cách tính định mức chi phí tư vấn trong đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập, là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều đồ án thiết kế chưa đạt chất lượng. Thực tế, trong thực hiện đầu tư xây dựng công trình, chi phí cho giai đoạn khảo sát và thiết kế là rất nhỏ so với tổng mức đầu tư, nhưng lại là khâu tập trung hàm lượng chất xám lớn.

Trao đổi với phóng viên, nhiều đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế cho biết, hàng loạt dự án cao tốc triển khai trên cả nước dẫn tới khan hiếm nguồn vật liệu. Do đó, công việc của đội ngũ tư vấn khảo sát, thiết kế liên quan đến vật liệu cũng phức tạp hơn nhiều so với trước. Đơn cử tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu khi điều tra các mỏ vật liệu, bãi đổ thải phải khảo sát kỹ lưỡng về vị trí, trữ lượng, chất lượng, khả năng cung ứng của các mỏ, thủ tục khai thác, trữ lượng của các bãi đổ thải, đường vận chuyển, phương án sử dụng đường công vụ nội, ngoại tuyến đáp ứng yêu cầu của dự án; kiểm soát chất lượng hồ sơ, nghiệm thu đúng quy định của pháp luật. Đối với tư vấn thiết kế, cần nâng cao trách nhiệm, bảo đảm chất lượng trong công tác điều tra, khảo sát xây dựng gắn với nhu cầu vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi), đánh giá tác động môi trường...; thẩm định thiết kế, lựa chọn phương án kỹ thuật phải bảo đảm tính bền vững công trình, thích ứng biến đổi khí hậu. “Để làm tốt yêu cầu trên, cần trả mức thù lao tương xứng. Đây là khâu trọng yếu, quyết định đến sự thành công của toàn dự án, không thể dùng định mức cũ, lạc hậu với bậc lương tối thiểu theo vùng trả cho các chuyên gia giỏi”, ông Trường nhấn mạnh.

Sau chỉ thị của Thủ tướng, nhiều địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ tìm giải pháp nâng cao chất lượng tư vấn khảo sát, thiết kế. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định chất lượng các khâu ngay từ đầu, nhất là công tác khảo sát, tư vấn thiết kế. Phải lựa chọn các nhà thầu uy tín, chất lượng, không ép tiến độ bất hợp lý. “Trong hoạt động khảo sát, thiết kế, cần thay đổi cách tính định mức chi phí tư vấn theo hướng gắn kết với việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, vật liệu mới vào giải pháp thiết kế nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho chủ đầu tư và tăng tính khả thi của dự án”, ông Tuấn khẳng định.

Chuyên đề