Cách nào tiêu vốn đầu tư công?

(BĐT) - Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo đó, cơ cấu chi ngân sách được điều chỉnh theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Đây là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, trong khi chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng cao.

Bội chi ngân sách thấp nhất trong 6 năm trở lại

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố cho thấy, bội chi NSNN giảm đáng kể trong hai quý đầu năm. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính tới ngày 15/6/2017, tổng thu NSNN ước đạt 500,9 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 533,4 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 38,4% dự toán. Trong đó, chi dành cho đầu tư phát triển tiếp tục duy trì ở mức thấp, ước tính đạt 83,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 23,3% dự toán năm và chỉ chiếm 15,6% tổng chi. Kết quả này khiến bội chi NSNN ước tính chỉ ở mức 32,5 nghìn tỷ đồng, thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, việc giảm bội chi 6 tháng đầu năm 2017 xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển, chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chi thường xuyên vẫn đạt 44,5% so với dự toán, tương đương 398,9 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng chi thường xuyên thậm chí còn có xu hướng gia tăng về mặt danh nghĩa (năm 2015 là 7,3%; năm 2016 là 5,2%; năm 2017 là 9,8%). Đồng thời, chi trả nợ gốc và lãi lần lượt đạt 88,1 nghìn tỷ đồng và 50 nghìn tỷ đồng, tương ứng đạt 53,8% và 50,5% dự toán. Theo nhận định của VEPR, các khoản chi này cho thấy áp lực trả nợ của Chính phủ đang ngày càng tăng cao.

“Nếu không có các biện pháp cắt giảm chi tiêu một cách hợp lý, NSNN sẽ mất cân bằng một cách nghiêm trọng, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển sẽ suy giảm hoặc phải tiếp tục vay nợ để bổ sung”, VEPR khuyến nghị.

Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng được đặt ra khá cấp bách. Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN so với kế hoạch mới đạt 38,7%. Vốn trái phiếu chính phủ mới giải ngân được 7.400 tỷ đồng và vốn tín dụng nhà nước giải ngân đạt 24.200 tỷ đồng, so với tốc độ giải ngân cùng kỳ năm trước giảm tương ứng là 53,2% và 8,7%.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, giải ngân chậm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng dù với bất kỳ nguyên nhân nào thì việc giải ngân chậm cũng đều gây nên sự nghẽn mạch. Sự nghẽn mạch không chỉ của chủ đầu tư công là Nhà nước, mà còn liên quan đến đối tác, khu vực tư nhân…, gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. 

Số liệu: Tổng cục Thống kê

Cách nào đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công?

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, việc ách tắc đầu tư công do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về thủ tục, pháp lý. Do vậy, việc sửa Luật Đầu tư công để tăng hiệu quả đầu tư, định hướng đầu tư vào những nơi có hiệu quả là cần thiết. Đặc biệt, với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, trong đó có những quy định về chi tiêu công thì việc sửa Luật theo hướng phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế là nên làm.

Bên cạnh việc chi tiêu hiệu quả đầu tư công thì việc rà soát chi thường xuyên, đảm bảo cân đối NSNN cũng được đặt ra. Theo TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, tốc độ tăng chi thường xuyên có thể cao trong những tháng cuối năm, bởi việc điều chỉnh tiền lương cơ sở, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2017. Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

“Phải giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền. Đồng thời, khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm…”, ông Lợi nêu quan điểm.

Ngoài ra, còn rất nhiều giải pháp giúp giảm chi thường xuyên như việc xã hội hóa các dịch vụ công để giảm các khoản bao cấp từ ngân sách. Hiện nay, cả nước có trên 54.000 đơn vị sự nghiệp công, chỉ tính riêng việc trả lương đã chiếm khoảng 38% trên tổng số các khoản chi thường xuyên của NSNN.

Còn nhớ tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, một vị đại biểu đã đề nghị Quốc hội nghiên cứu hai giải pháp hiệu quả để có tiền làm Sân bay Long Thành. Một trong hai giải pháp được đưa ra đó là tinh giảm biên chế để tiết kiệm chi thường xuyên trên cả nước.

Theo vị này, trong năm 2017, chúng ta chỉ cần tiết kiệm chi được 1% là đã có trên 10.000 tỷ đồng. Nếu năm 2018 tiết kiệm thêm 1% nữa sẽ có thêm 10.000 tỷ đồng. Như vậy, 2 năm đã có 20.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng Sân bay Long Thành.

Đây là một ý kiến khiến chúng ta phải suy ngẫm, bởi nó đang đi đúng hướng đã đề ra, đó là tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên. Nhưng như lời TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ thì biên chế cứ thắt được chỗ này thì lại phình chỗ kia. Không giảm được bộ máy thì không có cách gì giảm được chi thường xuyên. Muốn làm được thì không còn cách nào khác là phải thực sự cầu thị, thực sự có quyết tâm.

Chuyên đề