Cách doanh nghiệp Việt vượt khó thời Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trong thách thức, khó khăn, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn kịp thời thích ứng nhằm hạn chế ảnh hưởng, thậm chí tận dụng những cơ hội ít ỏi để vươn lên. Những câu chuyện vượt khó thời Covid-19 là minh chứng cho sự linh hoạt, sáng tạo và sức sống mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt.
Chủ trương thúc đẩy đầu tư công để kích cầu nền kinh tế đã giúp nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng vượt qua năm 2020 đầy khó khăn. Ảnh: Lê Tiên
Chủ trương thúc đẩy đầu tư công để kích cầu nền kinh tế đã giúp nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng vượt qua năm 2020 đầy khó khăn. Ảnh: Lê Tiên

Ngành dệt may bị thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng kép của dịch Covid-19 khi chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu bị gián đoạn và nhu cầu mặt hàng thời trang từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu giảm mạnh. Thay vào đó, nhu cầu khẩu trang, đồ bảo hộ trong nước liên tục “cháy hàng”, thị trường xuất khẩu cũng nhận được tín hiệu tích cực từ các đơn đặt hàng của các nước bị lây nhiễm nặng. Qua đó, tạo ra cơ hội mới cho ngành dệt may trong nước.

Nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, nhiều doanh nghiệp tận dụng nguồn lực sẵn có để bắt tay vào việc may khẩu trang, từ chất liệu khẩu trang y tế đến vải sợi kháng khuẩn.

Để bù đắp cho sự giảm sút đơn hàng trong quý đầu năm, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã tích cực đẩy mạnh đơn hàng khẩu trang xuất sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… và vải kháng khuẩn cho các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất khẩu trang. Nhờ đó, kết quả kinh doanh của May Thành Công đã tăng trưởng trở lại trong 2 quý sau đó. Lũy kế 11 tháng, doanh thu May Thành Công đạt 136,94 triệu USD, tương đương 3.163 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận tương ứng thu về đạt 10,1 triệu USD, tương đương 233 tỷ đồng, tăng 15%.

Thích ứng nhanh với nhu cầu mới, May Thành Công đã chuyển đổi phần lớn cơ cấu sản phẩm, trong đó khẩu trang, đồ bảo hộ tính đến nay đã chiếm phần lớn doanh thu Công ty. Đầu vào rẻ hơn của nhóm sản phẩm mới này so với hàng truyền thống cũng đem về hiệu suất sinh lời cao hơn cho May Thành Công.

Một doanh nghiệp dệt may khác cũng nhanh chóng biến khó khăn thành cơ hội là Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex). Doanh nghiệp này ghi nhận cả 3 quý kinh doanh tăng trưởng mạnh. So với cùng kỳ năm trước, Gilimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước trong quý I, gấp đôi trong quý II và gấp 3 lần quý III. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 2.546 tỷ đồng, tăng 45%; lãi sau thuế 189,5 tỷ đồng, gấp đôi 9 tháng năm 2019.

Công ty CP Chứng khoán Agribank cho biết, bên cạnh cơ hội từ khẩu trang, với việc khách hàng lớn nhất của Gilimex là Amazon, doanh nghiệp hưởng lợi từ sự chuyển đổi mua sắm online của người dân, các dây chuyền sản xuất của Gilimex luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất để đáp ứng các đơn hàng.

Ngoài khẩu trang, đồ bảo hộ, một sản phẩm sống tốt trong mùa Covid-19 là gel rửa tay đã giúp một số doanh nghiệp biến nguy thành cơ như Công ty CP Bột giặt Lix (Lixco). Thông qua việc bán sản phẩm nước rửa tay khô On1, Lixco đã ghi nhận doanh thu quý I/2020 tăng đột biến 54% lên 880 tỷ đồng. Kết thúc 9 tháng đầu năm, Lixco ghi nhận doanh thu bán hàng tăng 20% so với cùng kỳ 2019, đạt 2.219,2 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 22,5%, lên mức 201,7 tỷ đồng và đã hoàn thành được 87,7% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng sản xuất thành công Chloramin B - hóa chất thường được sử dụng để tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus với hiệu quả đến 99,99%. Qua đó phần nào giúp kết quả lợi nhuận 9 tháng của Công ty tăng đột biến, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 704,8 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ coi là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế. Câu chuyện tăng tốc đầu tư công để kích cầu nền kinh tế giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng có thêm việc làm trong một năm đầy khó khăn. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi còn phụ thuộc vào vị trí địa lý của các dự án được triển khai, năng lực của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, giá chào thầu và nhiều yếu tố khác.

Đơn cử như trong ngành thép, nhìn lại quý III năm ngoái, có không ít doanh nghiệp lỗ lớn, điển hình như Công ty CP Thép Pomina lỗ 119 tỷ đồng, hay Công ty CP Thép Việt Ý lỗ hơn 75 tỷ đồng, Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất lỗ hơn 3 tỷ đồng,… Thì sang quý III năm nay, nhiều doanh nghiệp đã có lãi trở lại. Thậm chí có một số ít doanh nghiệp kịp thời thích ứng như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Thép Nam Kim, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen... báo lãi tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Với lượng tiền mặt dồi dào, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước chọn phương án tăng tích trữ tiền nhằm duy trì hoạt động khi doanh thu sụt giảm và bảo đảm tài chính vượt qua dịch bệnh. Đơn cử như Vinamilk ngay từ đầu năm đã công bố thông tin về việc giãn, hoãn các kế hoạch mở rộng chưa cần thiết. Với gần 18.000 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng, Vinamilk thu về hơn 869 tỷ đồng tiền lãi sau 9 tháng đầu năm. Ngoài gần 18.000 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, Vinamilk còn hơn 2.300 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.

Chuyên đề