Các tỷ phú giàu lên như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 2020 - 2021 là quãng thời gian không lấy gì làm tươi sáng khi đại dịch Covid-19 càn quét trên toàn cầu, làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Vậy nhưng, ngay giữa “cơn lốc”, những tỷ phú giàu nhất thế giới vẫn biết cách để khiến khối tài sản của mình gia tăng, thậm chí tăng trưởng ở mức kỷ lục.

Elon Musk - nhân vật của năm

Năm 2021, Tạp chí Time bầu chọn Elon Musk là nhân vật của năm. Có nhiều lý do cho sự lựa chọn này, trong đó phải nhắc tới việc khối tài sản của Elon Musk đã tăng trưởng kỷ lục từ 25 tỷ USD năm 2020 lên 266 tỷ USD năm 2021, giúp ông trở thành công dân giàu nhất hành tinh. Cùng với đó, ông cũng là người đứng sau hàng loạt sự kiện có sức ảnh hưởng toàn cầu trong hiện tại và tương lai. Chẳng hạn việc tổ chức thành công các chuyến bay dân sự vào vũ trụ, đưa xe điện bước vào kỷ nguyên tăng trưởng mới…

Elon Musk là vị tỷ phú khác biệt so với tất cả. Thay vì chỉ tập trung vào một ý tưởng, ông sở hữu đáng kể các sáng kiến tuyệt vời. Thay vì lựa chọn đầu tư vào tài sản an toàn hay tham dự các thị trường đầu tư truyền thống, Elon Musk lựa chọn những khoản đầu tư lớn và đầy rủi ro. Nhưng sự ngông cuồng cùng chút điên loạn này khiến khối tài sản của ông gia tăng nhanh chóng.

Đóng góp lớn nhất cho tài sản của Elon Musk phải kể tới Tesla - công ty sản xuất xe điện do ông sáng lập năm 2003. Giá cổ phiếu Tesla đã tăng hơn 3 lần trong 18 tháng qua, đưa giá trị vốn hoá của Công ty lên hơn 1,02 nghìn tỷ USD, bỏ xa bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào trên thế giới. Sau khi bán ra hơn 12 tỷ USD cổ phiếu trong 2 tháng qua, Elon Musk vẫn nắm giữ khoảng 17% cổ phiếu Tesla. Sau phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022, theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của CEO Tesla tiếp tục gia tăng, đạt 304 tỷ USD khi cổ phiếu công ty này tăng giá.

Một ý tưởng “điên cuồng” khác của Elon Musk là hãng hàng không vũ trụ SpaceX. Được sáng lập năm 2002 với mục tiêu đưa con người tới sao Hỏa, sau 2 thập kỷ, Công ty hiện thống trị thị trường thương mại không gian. SpaceX được định giá hơn 100 tỷ USD (tính tới vòng gọi vốn gần nhất vào tháng 11/2021) và Musk sở hữu khoảng 48% cổ phần tại đây.

Khối tài sản của Elon Musk còn đến từ hàng loạt công ty do ông sáng lập/đồng sáng lập như The Boring Company - công ty đào hầm với mục đích xây dựng những hệ thống giao thông siêu tốc trong đô thị - vừa hoàn thiện dự án đầu tiên tại Las Vegas (Mỹ) vào tháng 6/2021; Neuralink - công ty công nghệ thần kinh phát triển những thiết bị nhỏ (chip) có thể cấy ghép vào não - hiện được đánh giá có giá trị hơn 500 triệu USD; OPEN AI - doanh nghiệp phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo…

Đáng chú ý, năm 2021, Elon Musk không ít lần khiến thị trường tiền ảo dậy sóng bởi các dòng tweet của mình. Dù vậy, theo công bố mới nhất của vị tỷ phú này, ông chỉ đầu tư vào 3 đồng tiền ảo gồm Bitcoin, Ethereum và Dogecoin. Hiện số lượng tiền ảo mà Elon Musk sở hữu không được tiết lộ. Tuy nhiên, ông cho biết, 5 khoản đầu tư lớn nhất của ông trong năm 2021 theo thứ tự bao gồm Tesla, SpaceX, Bitcoin, Ethereum và Dogecoin.

Mark Zuckerberg - theo đuổi cuộc viễn chinh mới

2 năm vừa qua đối với Mark Zuckerbeg - người sáng lập Facebook - không hề dễ dàng. Ông phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và các nhà lập pháp vài lần, xử lý tình trạng tin giả liên quan tới đại dịch Covid-19 trên Facebook, xử lý vấn đề lộ dữ liệu cá nhân của 533 triệu người dùng… Dẫu vậy, Mark Zuckerberg vẫn trở nên giàu có hơn bao giờ hết khi khối tài sản lần đầu tiên vượt mức 100 tỷ USD.

Đa phần tài sản của Mark Zuckerberg đến từ việc sở hữu 13% cổ phiếu Facebook, dù chỉ nhận lương 1 USD từ Công ty mỗi năm. Dấu mốc quan trọng bậc nhất trong năm của Mark Zuckerberg là việc ông tuyên bố, tương lai của Facebook không còn nằm ở mạng xã hội, mà là xây dựng Metaverse (đa vũ trụ ảo) - được xem như một hiện thân mới của Internet. Facebook cũng đổi tên thành Meta, thể hiện quyết tâm theo đuổi cuộc viễn chinh mới này.

Metaverse hay một siêu vũ trụ số là nơi bất cứ thứ gì chúng ta có thể tưởng tượng ra đều tồn tại. Không chỉ nhìn thấy những vật thể ảo đó, con người còn có thể tương tác với chúng, nghe thấy chúng và chạm vào chúng giống như trong thế giới thực. Facebook cho biết, việc đầu tư vào bộ phận nghiên cứu thực tế ảo sẽ khiến lợi nhuận năm 2021 giảm 10 tỷ USD. Đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng cho tham vọng theo đuổi Metaverse.

Dù vậy, Facebook vẫn đang kiếm bộn tiền nhờ các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Facebook cùng với các ứng dụng trong hệ sinh thái bao gồm Instagram, WhatsApp, Messenger mang về lợi nhuận 29 tỷ USD trong năm vừa qua, với 2,8 tỷ người sử dụng hàng ngày.

Warren Buffett - bán cổ phiếu, nâng tiền mặt

Warren Buffett là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại và công ty của ông - Berkshire Hathaway cũng mang lại những lợi ích lớn cho cổ đông.

Một trong những khoản đầu tư thành công nhất của Warren Buffett năm 2021 là Apple. Trong giai đoạn 2016 - 2018, ông đầu tư 36 tỷ USD vào nhà sản xuất iPhone. Giá cổ phiếu Apple đã tăng khoảng 1/3 trong năm nay, giúp giá trị của khoản đầu tư này vượt mức 150 tỷ USD tính tới giữa tháng 12/2021.

Bên cạnh đó, việc nắm giữ các cổ phiếu ngân hàng bao gồm Bank of America, American Express, Bank of New York Mellon và Moody's cũng mang lại chiến thắng cho nhà đầu tư lão luyện này. Năm 2020, khi nền kinh tế chịu tác động mạnh bởi Covid-19, cổ phiếu ngân hàng theo đà giảm giá. Tuy nhiên, năm 2021, nhờ các gói hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, các nhà băng ở vị thế tốt hơn và giá cổ phiếu cũng leo dốc với mức tăng khoảng 30%.

Berkshire Hathaway đã bán khoảng 7 tỷ USD cổ phiếu tính tới tháng 9/2021, đồng thời công bố mua lại 25 tỷ USD cổ phiếu quỹ, trong khi nâng lượng tiền mặt nắm giữ lên mức kỷ lục 149 tỷ USD. Lý giải cho động thái này, Warren Buffett cho biết, rất khó để tìm được cổ phiếu ở mức giá hợp lý, hay doanh nghiệp còn hấp dẫn tại thời điểm này. Do đó, ông đẩy mạnh việc giữ tiền mặt, mua lại cổ phiếu của chính Công ty và chờ đợi cơ hội.

Jeff Bezos - nhà đầu tư kín tiếng

Tính tới cuối năm 2021, theo Forbes, khối tài sản của Jeff Bezos - nhà sáng lập, CEO Amazon - đạt khoảng 198 tỷ USD, là người giàu thứ hai trên thế giới.

Sự thành công của Amazon đôi khi khiến các thành viên thị trường ít chú ý tới hoạt động đầu tư của Jeff Bezos. Tuy nhiên, trên thực tế, vị tỷ phú này thực hiện hàng loạt hoạt động đầu tư đa dạng thông qua Bezos Expeditions - hãng đầu tư vốn cổ phần tư nhân, Nash Holdings LLC - công ty cá nhân riêng của Bezos và Bezos Family Foundation - nơi quản lý khối tài sản cá nhân của ông.

Bezos Expeditions hiện đầu tư vào các công ty công nghệ sinh học tìm kiếm phương pháp chữa trị ung thư, doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp và các công ty công nghệ tài chính có mục tiêu tập trung vào xây dựng sức mạnh cộng đồng.

Một trong những khoản đầu tư đáng chú ý nhất của Jeff Bezos trong năm 2021 là việc rót vốn vào công ty khởi nghiệp mang tên Altos Labs - nghiên cứu công nghệ chống lão hoá. Hiện chưa có nhiều thông tin về doanh nghiệp này, nhưng theo MIT Tech Review, Altos Labs thuê các nhà khoa học làm việc với mức lương đề xuất 1 triệu USD/năm. Công ty cũng mở các viện nghiên cứu tại California (Mỹ), Anh và Nhật Bản.

Một điểm gây bất ngờ khác là Jeff Bezos sở hữu cổ phần ở những doanh nghiệp đình đám với giá trị đầu tư tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Chẳng hạn, ông là một trong những cổ đông đầu tiên của Google khi đầu tư 250.000 USD vào năm 1998. Tới nay, giá trị của khoản đầu tư này là 3,1 tỷ USD, tương đương 3,3 triệu cổ phiếu Google.

Một số khoản đầu tư khác của ông có thể kể đến AirBnB - dịch vụ lưu trú; Uber - ứng dụng chia sẻ xe; EverFi - công ty công nghệ giáo dục; General Assembly - doanh nghiệp cung cấp không gian làm việc chung; NextDoor - ứng dụng kết nối cộng đồng; Plenty - công ty công nghệ nông nghiệp…

Khối tài sản của các tỷ phú giàu nhất thế giới trong năm 2020 và 2021

Khối tài sản của các tỷ phú giàu nhất thế giới trong năm 2020 và 2021

Chuyên đề

Kết nối đầu tư