Các hãng bay khát vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước làn sóng Covid-19 thứ 4 với biến chủng Delta nguy hiểm, sức khỏe của các doanh nghiệp hàng không một lần nữa đặt trong trạng thái báo động. Ngoài kết quả kinh doanh bị tác động tiêu cực, các hãng hàng không còn oằn mình dưới gánh nặng tài chính.
Vietnam Airlines lỗ tới 10.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Vietnam Airlines lỗ tới 10.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, việc đảm bảo dòng tiền là yếu tố quan trọng nhất lúc này để duy trì hoạt động do các chi phí cố định chiếm tỷ trọng rất lớn (chủ yếu chi phí đội bay). Kể cả khi phải dừng hoạt động (không có dòng tiền thu) thì hàng tháng Vietnam Airlines vẫn phải thanh toán các khoản chi phí rất lớn liên quan đến thuê mua tàu bay.

Để củng cố năng lực tài chính, mới đây, Hội đồng Quản trị của Vietnam Airlines đã ban hành nghị quyết thông qua phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, Vietnam Airlines chào bán 800 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đợt phát hành thành công, hãng bay này sẽ thu về 8.000 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cho biết, 2.050 tỷ đồng từ đợt phát hành sẽ được dùng để trả nợ cho các tổ chức tín dụng trong năm 2021; 3.950 tỷ đồng thanh toán nợ quá hạn cho các đối tác, nhà cung cấp theo tiến độ thanh toán; 2.000 tỷ đồng còn lại sẽ được doanh nghiệp sử dụng để bổ sung vốn lưu động, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh trong tình hình dịch bệnh phức tạp như trả lương, thuế, hoàn vé, các khoản thanh toán không vay được ngân hàng (thu hộ, trả hộ, bù trừ công nợ).

Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.075 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2020; lỗ tới 10.400 tỷ đồng.

Đánh giá về thương vụ phát hành cổ phiếu của Vietnam Airlines, chuyên gia phân tích thuộc Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình cho biết, cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sở hữu 86,19% vốn) sẽ là người mua chính. Còn cổ đông chiến lược ANA Holdings Inc sẽ nhường lại toàn bộ quyền mua 70 triệu cổ phiếu cho 15.100 lao động tại Vietnam Airlines và tại các công ty con, liên kết. Ước tính mỗi người lao động được mua khoảng 3.000 - 5.700 cổ phần với giá 10.000 đồng/cp. Thương vụ thành công sẽ là nguồn lực to lớn để Vietnam Airlines chống chọi với dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại.

Đối với Công ty CP Hàng không VietJet (VietJet Air), phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 6/2021 đã thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phần mới với giá trị tối đa 15% vốn điều lệ, tờ trình về phát hành trái phiếu quốc tế dự kiến tối đa 300 triệu USD và phát hành 10 triệu cổ phiếu cho người lao động dự kiến thu về 100 tỷ đồng. Phương án phát hành cổ phần để tăng vốn của VietJet đến nay chưa được công bố chi tiết.

Hoàn thành việc tăng vốn sớm nhất là Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) khi vào giữa tháng 4/2021, hãng bay này đã nâng vốn điều lệ từ mức 12.500 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng. Qua đó, Bamboo Airways trở thành hãng bay có vốn điều lệ lớn nhất thị trường hàng không trong nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi của ngành hàng không hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội mới đây, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận tải đang “chết dần, chết mòn”, thậm chí là không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu như không có những biện pháp hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ cho khu vực này.

Ông Lộc đề nghị, hoạt động tiêm vắc xin cần được đẩy mạnh hơn, đặc biệt tại các khu vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, vừa bảo vệ tính mạng cho người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Trong lĩnh vực dịch vụ, ngoài hỗ trợ tài chính, biện pháp căn cơ hơn là áp dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến Việt Nam và với người Việt Nam khi đã đạt tỷ lệ dân cư tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Đây sẽ là động lực quan trọng để nền kinh tế phục hồi trở lại và ngành hàng không thoát khỏi tình trạng làm ăn bết bát.

Chuyên đề