Các dự án giao thông ở Đồng Tháp bứt tốc về đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vào giai đoạn nước rút kế hoạch năm 2022, các dự án giao thông trọng điểm tại Đồng Tháp đang tăng tốc đầu tư xây dựng. Dù gặp nhiều khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu…, số liệu tới tháng 11/2022 cho thấy, giải ngân vốn đầu tư nhóm dự án lĩnh vực này đạt khá.
Thi công Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT.842 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Ảnh: Ngọc Tuấn
Thi công Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT.842 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Ảnh: Ngọc Tuấn

Ông Nguyễn Thế Hồng Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2022, Ban được giao làm chủ đầu tư 14 dự án. Hiện Ban đang lựa chọn nhà thầu thi công 1 dự án; 1 dự án khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; 1 dự án khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; 2 dự án thi công hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng; 9 dự án đang đẩy mạnh thi công. Dự kiến tới cuối năm 2022, có 6 dự án thi công chuyển tiếp và 5 dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng.

“Năm 2022, tổng số vốn kế hoạch được giao của Ban là 441,6 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến 30/11/2022 là hơn 373,7 tỷ đồng, đạt 84,6% kế hoạch. Trong đó, giá trị giải ngân vốn ngân sách địa phương là hơn 108,7 tỷ đồng, đạt 78,3%; giá trị giải ngân vốn ngân sách trung ương hơn 264,9 tỷ đồng, đạt 87,5% kế hoạch”, ông Trung nói và cho biết, dự kiến tỷ lệ giải ngân cả năm 2022 sẽ đạt 100% kế hoạch.

Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận (GTVT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, tiến độ thực hiện các dự án do Sở làm chủ đầu tư cũng tiến triển lớn. Năm 2022, Sở GTVT làm chủ đầu tư 7 dự án, trong đó có 2 dự án thi công chuyển tiếp, 2 dự án thi công hoàn thiện, 1 dự án lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và 2 dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đến nay, 4 dự án đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, 2 dự án đang triển khai thi công. Tính tới cuối tháng 11/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của các dự án đạt 73,8% kế hoạch. Cụ thể, tổng số vốn kế hoạch năm 2022 là 608,6 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến nay là 449,4 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương đạt 60%, nguồn ngân sách trung ương do Tỉnh quản lý và phân bổ đạt 79,4%, nguồn ngân sách trung ương do Bộ GTVT quản lý và phân bổ đạt 69,7%. Ông Bảo cho biết, Sở sẽ đôn đốc đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu tăng tốc thực hiện các dự án để giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ có thể kể tới: Dự án Xây dựng tuyến Đường tỉnh 857, đoạn Quốc lộ 30 đến Đường tỉnh 845 (vốn kế hoạch 298,778 tỷ đồng, giải ngân đạt 79,4%); Dự án Nâng cấp Quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, giai đoạn 3 (vốn kế hoạch 270 tỷ đồng, giải ngân đạt 69,7%); Dự án Nâng cấp Đường tỉnh 841 và xây dựng mới cầu Sở Thượng 2 (vốn kế hoạch 48,697 tỷ đồng, giải ngân đạt 89,1%); Dự án Mở rộng Đường tỉnh 849, đoạn từ Đường tỉnh 848 đến Quốc lộ 80 (vốn kế hoạch 34,5 tỷ đồng, giải ngân đạt 65,2%); Dự án Đường tỉnh 845, đoạn Trường Xuân - Tân Phước (vốn kế hoạch 147,762 tỷ đồng, giải ngân đạt 96,6%); Dự án Nâng cấp hệ cầu trên Đường tỉnh 844, đoạn Tràm Chim - Trường Xuân (vốn kế hoạch 91,420 tỷ đồng, giải ngân đạt 80,1%)...

Ông Nguyễn Thế Hồng Trung cho biết, việc triển khai các dự án giao thông năm nay gặp rất nhiều thách thức. Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), giá cả vật tư tăng, khan hiếm cát san lấp… Tuy nhiên, với sự quyết liệt của các cơ quan hữu trách tỉnh Đồng Tháp trong chỉ đạo và phối hợp, tốc độ đầu tư, xây dựng các dự án giao thông được đảm bảo.

Cũng theo ông Trung, để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trong thời gian cuối năm 2022 và năm 2023, Đồng Tháp phải tiếp tục giải quyết những thách thức. Đó là, công tác GPMB chậm, tình trạng tái lấn chiếm sau khi bàn giao mặt bằng; công tác phối hợp trong GPMB, giải quyết các vướng mắc chưa chặt chẽ; việc thực hiện các thủ tục liên quan về đất đai chưa được các cơ quan chủ động vào cuộc dẫn đến kéo dài, ảnh hưởng tiến độ dự án giao thông; kế đến là giải bài toán thiếu nguồn cung cát đắp nền đường dự báo trầm trọng hơn trong năm 2023...

“Tỉnh Đồng Tháp đang kiến nghị các cơ quan trung ương hướng dẫn kịp thời các chính sách, quy định mới ban hành và sớm điều chỉnh các quy định pháp lý chồng chéo. Chúng tôi cũng kiến nghị UBND Tỉnh có giải pháp hỗ trợ bình ổn giá vật tư, vật liệu thi công công trình, tiếp tục ưu tiên nguồn cung cấp cát đắp nền đường cho các công trình giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo tiến độ”, ông Trung nói.

Chuyên đề