Các dự án dịch vụ sân bay Long Thành: “Tháo chốt” khó khăn, chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, việc đấu thầu 2 dự án đầu tư xây dựng khu điều hành, bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay số 1, số 2 thuộc Dự án thành phần 4 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành gần như bế tắc do không có cơ sở xác định được giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3). Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BGTVT để tháo gỡ khó khăn trong cách xác định m3, tạo cơ sở để xây dựng hồ sơ mời thầu cho 2 dự án.
Mặt bằng thi công 2 dự án dịch vụ sân bay Long Thành với diện tích hơn 14.000 m2 đã được giải phóng hoàn toàn. Ảnh: Lê Tiên
Mặt bằng thi công 2 dự án dịch vụ sân bay Long Thành với diện tích hơn 14.000 m2 đã được giải phóng hoàn toàn. Ảnh: Lê Tiên

Theo khái toán, mỗi dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 145 tỷ đồng. Các dự án sẽ thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình và hạ tầng kỹ thuật gồm: khu xử lý vệ sinh tàu bay; khu bảo trì, bảo dưỡng phương tiện phục vụ mặt đất; nhà điều hành cho đơn vị xử lý vệ sinh tàu bay và bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất; xây dựng hạ tầng đồng bộ của khu bảo trì, bảo dưỡng phương tiện phục vụ mặt đất, khu xử lý vệ sinh tàu bay, nhà điều hành.

Gần 1 năm qua, việc lập hồ sơ mời thầu 2 dự án gặp khó khăn do khung pháp lý hiện hành chưa có quy định với 2 dự án hàng không đặc thù này. Sau nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn loay hoay vì không có đủ dữ liệu để xác định được tiền thuê đất dự kiến thực hiện 2 dự án. Nguyên nhân là các khu đất sử dụng cho Dự án được xác định là đất giao thông, xung quanh không có dự án nào nên không có cơ sở áp dụng phương pháp so sánh để tính giá đất. Mặt khác, 2 dự án nêu trên hiện vẫn chưa hình thành, chưa có kế hoạch kinh doanh, chưa xác định được tổng doanh thu cụ thể và tổng chi phí nên không thể xác định giá đất theo pháp luật đất đai, Nghị định 25/2020/NĐ-CP, Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT và Thông tư 23/2021/TT-BGTVT.

Ngày 29/6/2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2021/TT-BGTVT. Theo đó, đối với cảng hàng không, sân bay được đầu tư xây dựng mới đã được Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, giá sàn nộp ngân sách nhà nước được tính bằng giá đất định giá cao nhất cho 1 m2 được UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay nhân với diện tích khu đất thực hiện dự án. Thông tư số 12/2023/TT-BGTVT cũng nêu rõ, giá trị này được xác định mang tính tương đối, là căn cứ để nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước và độc lập với tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia đầu tư cho biết, Thông tư số 12/2023/TT-BGTVT là cơ sở pháp lý quan trọng (gần như là đầu tiên và duy nhất) để tháo gỡ khó khăn trong xác định m3 cho 2 dự án có tính chất chuyên ngành đặc thù. Vấn đề tiếp theo là các đơn vị liên quan (Cảng Hàng không Việt Nam, Cảng vụ Hàng không miền Nam phối hợp với đơn vị tư vấn thẩm định giá, UBND tỉnh Đồng Nai) nhanh chóng xác định m3 để sớm lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư, không để tình trạng chậm trễ kéo dài sẽ gây nhiều hệ lụy.

Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, ngày 30/6/2023, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Nam nhanh chóng triển khai công tác xác định m3 cho 2 dự án. Hiện tại, mặt bằng thi công 2 dự án với tổng diện tích hơn 14.000 m2 ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã được UBND tỉnh Đồng Nai giải phóng hoàn toàn.

Ngày 3/7/2023, Cảng vụ Hàng không miền Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thu xếp làm việc để cung cấp thông tin xác định m3. Ngày 4/7/2023, Bộ GTVT tổ chức họp các đơn vị liên quan để kiểm điểm tiến độ và tình hình thực hiện 2 dự án trên. Dự kiến, trong quý III/2023, hồ sơ mời thầu 2 dự án sẽ được phát hành.

Qua công khai thông báo mời quan tâm, mỗi dự án thu hút được 4 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký tham gia thực hiện. Điều đó cho thấy tính hấp dẫn của 2 dự án là khá lớn, vấn đề chỉ là vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý để xác định m3 trong mời thầu. Việc tháo gỡ khó khăn cho 2 dự án trên là tiền đề để triển khai các dự án tương tự tiếp theo. Khi “khúc mắc” được giải tỏa, chắc chắn việc đấu thầu các dự án này sẽ thu hút nhiều chủ thể tham gia.

Chuyên đề