Cả thế giới nỗ lực vươn lên bằng công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đạo luật Chips và Khoa học của Mỹ được thông qua với số tiền đầu tư ước tính lên tới gần 250 tỷ USD phục vụ mục tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển bán dẫn và một số ngành khoa học khác trong 5 năm. Đây là chương trình R&D lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nhiều nền kinh tế khác cũng đang nỗ lực vươn lên bằng công nghệ, với khát vọng cải thiện vị thế...
Cả thế giới nỗ lực vươn lên bằng công nghệ

TOP các quốc gia dẫn đầu

Các nền kinh tế hàng đầu thế giới luôn được gây dựng nên từ những đổi mới. Từ việc phát minh ra máy hơi nước tới sử dụng điện và ngày nay là trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ và khoa học luôn tạo động lực đưa các ngành công nghiệp, cũng như nền tảng xã hội lên nấc thang mới.

Trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số hiện nay, quốc gia nào ưu tiên và tạo môi trường nuôi dưỡng năng lực sẽ ở vị thế tốt hơn khi đối diện các thử thách mang tính thời đại, từ biến đổi khí hậu tới khủng hoảng sức khoẻ.

Vậy những quốc gia nào đang là “người dẫn đầu” trong cuộc đua phát triển khoa học - công nghệ toàn cầu? Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thực hiện thường niên đã công bố danh sách 15 quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới năm 2023.

Theo báo cáo của WIPO, các quốc gia này là “chủ thể tiên phong trong làn sóng đổi mới công nghệ số, AI, siêu máy tính và tự động hoá, có các phát kiến khoa học sâu sắc, dựa trên nghiên cứu công nghệ sinh học và công nghệ nano”.

Trong danh sách này, Thụy Sỹ duy trì vị trí đầu tiên. Đáng chú ý, đây là năm thứ 13 liên tiếp Thụy Sỹ giữ vững Top 1. Sở hữu các trung tâm R&D nổi tiếng toàn cầu, duy trì đầu tư cao cho R&D, sự phát triển công nghệ mạnh mẽ và lực lượng lao động có trình độ, năng suất cao, không có gì ngạc nhiên khi Thuỵ Sỹ chưa thể bị đánh bại ở vị trí dẫn đầu.

Trong những năm qua, Thụy Sỹ đã chứng kiến sự ra đời của những phát minh lịch sử như Velcro, ống đỡ động mạch vành, lá nhôm… Quốc gia này đã phát triển bí quyết độc đáo trong các lĩnh vực liên kết với nhau như cơ khí chính xác, công nghệ vi mô và nano cũng như công nghệ y tế. Ngày nay, nhiều dự án hoặc phát minh là bằng chứng về văn hóa đổi mới của Thụy Sỹ trong các công nghệ mới. Trong đó, có thể kể tới những thành tựu như tái tạo phổi người trong phòng thí nghiệm, máy sản xuất mô da người đầu tiên trên thế giới, điện thoại thông minh lượng tử đầu tiên, công nghệ dọn rác không gian…

Vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt thuộc về Thụy Điển và Mỹ. Từ một nước nghèo nhất ở châu Âu vào giữa thế kỷ XIX, sau 1 thế kỷ tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Thụy Điển đã trở thành quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, có vị trí và uy tín cao trên trường quốc tế.

Đi qua giai đoạn công nghiệp hóa, Thụy Điển đang trên đường tiến tới xã hội hậu công nghiệp với cơ sở là kinh tế tri thức. Thụy Điển là một trong những nước có tỷ lệ chi cho nghiên cứu và triển khai công nghệ trong công nghiệp ở mức cao (3% GDP).

Với dân số chỉ gần 10 triệu người, tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển chủ yếu nhờ vào sự thành công của các công ty công nghệ. Thủ đô Stockholm đã tạo ra số lượng “kỳ lân” - công ty công nghệ quy mô tỷ USD - cao thứ hai trên thế giới tính theo bình quân đầu người. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cứ 1.000 lao động thì có đến 20 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) ở Thụy Điển.

Là quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, các doanh nghiệp Thụy Điển sở hữu những giải pháp công nghệ để tiên phong và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Thụy Điển đang trên đà trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đất nước này là quê hương của một số công ty công nghệ khổng lồ như Ericsson, Skype, Spotify, Torrent, Volvo, Electrolux…

Trong khi đó, Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia dẫn đầu về phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp. Đất nước này là nơi đã phát minh ra các tiến bộ khoa học, kỹ thuật quan trọng trong các lĩnh vực như khoa học vũ trụ, sinh học, y học, phần mềm, dược phẩm, viễn thông, kỹ thuật quân sự…

Mỹ cũng là nơi đã sản sinh ra một số công ty công nghệ nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm: Apple, Intel, Google, Facebook và Microsoft. Trong số 1.206 công ty “kỳ lân” trên toàn cầu tính tới tháng 4/2023, nước Mỹ là quê hương của 54% số này.

Cuối năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua Đạo luật Chips và Khoa học nhằm nâng cao năng lực sản xuất bán dẫn trong nước và hợp tác với các đồng minh lớn về chips để xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn mạnh trên toàn cầu.

Ban đầu, dự luật này dự kiến được rót 52 tỷ USD, nhưng khi được thông qua, số tiền đầu tư ước tính lên tới gần 250 tỷ USD phục vụ mục tiêu R&D, phát triển bán dẫn và một số ngành khoa học khác trong 5 năm. Đây là chương trình R&D lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Cũng từ nguồn lực này, tháng 10/2023, Mỹ công bố danh sách 31 trung tâm công nghệ mới trên khắp cả nước. Đây là giai đoạn đầu của chương trình trung tâm công nghệ được thiết kế để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới, quan trọng của Mỹ như hệ thống tự động, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học hay sản xuất chất bán dẫn. Mỗi trung tâm công nghệ sẽ có cơ hội nhận được 40 - 70 triệu USD tiền tài trợ của Chính phủ (trích từ nguồn ngân sách theo Đạo luật Chips và Khoa học).

15 quốc gia hàng đầu trong bảng xếp hạng 2023 và thứ hạng năm 2022

15 quốc gia hàng đầu trong bảng xếp hạng 2023 và thứ hạng năm 2022

Nỗ lực của các quốc gia đang phát triển

Top 15 quốc gia dẫn đầu về đổi mới - sáng tạo 2023 của WIPO chỉ là một phần của câu chuyện toàn cảnh. Khi nhìn kỹ hơn vào các khu vực, nhiều quốc gia có thể còn xa lạ như Türkiye, Senegal và Kazakhstan đã vươn lên để trở thành những “người dẫn đầu” về tiến bộ khoa học - công nghệ.

Các quốc gia dẫn đầu về chỉ số đổi mới - sáng tạo trong khu vực có thể kể đến như Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc tại Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương; Israel, Cộng hòa Síp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ tại Bắc Phi và Tây Á. Tại châu Mỹ Latinh và Caribe, Brazil lần đầu tiên dẫn đầu. Trong khi tại Trung và Nam Á, Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu; tiếp đó là Iran và Kazakhstan - tân binh lọt vào Top 3 khu vực này. Ở châu Phi cận Sahara, các quốc gia dẫn đầu là Mauritius, Nam Phi, Botswana…

Với nhu cầu hiện đại hoá hệ thống năng lượng và thực hiện các kế hoạch công nghiệp hoá đầy tham vọng, Kazakhstan là quốc gia nổi lên với những chính sách quyết liệt theo đuổi phát triển khoa học - công nghệ và thu hút đầu tư công nghệ. Kazakhstan đang thực hiện chương trình phát triển công nghiệp sáng tạo bắt buộc, với những ngành chính gồm: năng lượng; phát triển luyện kim; khai thác dầu mỏ; công nghiệp hóa chất và công nghiệp dược phẩm; tổ hợp công nông nghiệp; công nghiệp nhẹ; du lịch; công nghệ thông tin; công nghệ truyền thông và công nghệ vũ trụ.

Mới đây, bên lề Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28), Kazakhstan đã ký 20 thỏa thuận với các công ty nước ngoài về năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng và số hóa, trị giá 4,85 tỷ USD. Cải tiến trong chính sách đầu tư đã trở thành một thành phần quan trọng trong chiến lược kinh tế của Tổng thống Kazakhstan Tokayev.

Không riêng Kazakhstan, theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), bây giờ là thời điểm các nền kinh tế đang phát triển cần nắm nhiều hơn các giá trị trong cuộc cách mạng công nghệ. Sử dụng công nghệ - khoa học để tạo lực đẩy tăng trưởng kinh tế, củng cố sức chống chịu trước các cú sốc toàn cầu và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng.

“Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghệ dựa trên yếu tố xanh và công nghiệp 4.0. Các quốc gia đang phát triển cần nắm bắt những làn sóng mới nhất. Các dữ liệu lịch sử chỉ ra rằng, những quốc gia nhập cuộc sớm có thể tăng tốc nhanh hơn và thu về những lợi thế trong dài hạn”, Báo cáo Công nghệ và Đổi mới 2023 của UNCTAD cho biết.

Hiện tại, khoảng cách về công nghệ giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, theo UNCTAD, các quốc gia đang phát triển có thể tranh thủ thời cơ để tận dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới nhất nhằm “đi tắt đón đầu”, nhanh chóng tiến về phía trước.

Đáng chú ý, chỉ số về mức độ sẵn sàng tại báo cáo của UNCTAD cho thấy, một số quốc gia đang phát triển tại châu Á, nổi bật là Ấn Độ, Philippines và Việt Nam đang biểu hiện tốt hơn so với kỳ vọng. Đây là kết quả của việc gia tăng đầu tư hạ tầng, củng cố năng lực công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với đó, các quốc gia này cũng nhận được dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là thiết bị điện tử.

Chuyên đề