Cả nước gồng mình khôi phục đời sống, sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các địa phương chịu tác động của cơn bão số 3 đang khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống cho người dân, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phấn đấu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, với tinh thần “làm việc bằng hai”, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhanh, trúng, đúng, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Giang Sơn Đông
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Giang Sơn Đông

Ước tính sơ bộ thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng do cơn bão số 3, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc, Quảng Ninh đã nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn bộ ngành than, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã trở lại hoạt động bình thường; cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã thông quan trở lại từ ngày 9/9/2024. 70% các phụ tải đã có điện và gần 100% hạ tầng viễn thông được khôi phục lại. 100% cơ sở về than, các khu công nghiệp, nhà máy đi vào hoạt động trở lại. Một số cơ sở lưu trú, cơ sở du lịch đã mở cửa đón khách du lịch. Ông Huy cho biết, dự báo, năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3, GDP của Quảng Ninh sẽ giảm khoảng 0,5 - 0,6%, nhưng Tỉnh sẽ nỗ lực điều hành kinh tế để duy trì tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 2 con số.

Với cả nước, mục tiêu tăng trưởng 7% đề ra tại Nghị quyết số 108/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 sẽ trở nên khó khăn, thách thức hơn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm này, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, so với kịch bản tăng trưởng GRDP ước tính lần 1 cho địa phương tại thời điểm tháng 7/2024, suy giảm tăng trưởng cả năm 2024 của Hà Nội là 0,2%; Hải Phòng là 0,63%; Quảng Ninh là 0,65%; Cao Bằng là 0,51%; Lào Cai là 0,63%; Tuyên Quang là 0,5%; Yên Bái là 0,53%; Thái Nguyên là 0,59%. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% (so với kịch bản ước tăng trưởng 6,8 - 7%), trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Tại Hội nghị với địa phương ngày 15/9/2024, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%.

Thủ tướng nêu ra nhiều giải pháp. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước. Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp...; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...

Để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thu ngân sách, cung ứng xăng dầu, điện nước; kiểm soát giá cả. Tập trung làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; có biện pháp kích thích tiêu dùng; mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích một số ngành, lĩnh vực có thể phát triển bứt phá, tăng tốc như các ngành chíp bán dẫn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nghiên cứu gói chính sách hỗ trợ với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bão lũ. Ảnh: Đông Giang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nghiên cứu gói chính sách hỗ trợ với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bão lũ. Ảnh: Đông Giang

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị các chính sách hỗ trợ cần kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đơn giản hóa thủ tục; nghiên cứu gói chính sách hỗ trợ với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bão lũ. Các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Một số chính sách hỗ trợ có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh...

Từ góc độ địa phương, ông Cao Tường Huy đề xuất Chính phủ cho phép bổ sung đối tượng là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh của Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ nuôi trồng thủy sản, hộ trồng rừng vay vốn; miễn tiền thuê đất đối với doanh nghiệp lâm nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản trên biển...

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong kiến nghị Thủ tướng quyết định những việc làm ngay, đặc biệt trong 3 lĩnh vực là trường học, khu tái định cư và giao thông kết nối. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1.100 tỷ đồng để khôi phục các công trình, sản xuất, hạ tầng giao thông, sớm khắc phục bảo đảm đời sống nhân dân và phát triển kinh tế trong thời gian tiếp theo...

6 điểm tựa Việt Nam

Phát biểu tại chương trình "Điểm tựa Việt Nam" ngày 15/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về 6 điểm tựa để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Cụ thể:

Thứ nhất là điểm tựa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công" như Bác Hồ đã nói.

Điểm tựa thứ hai là chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo gần 95 năm qua. Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Điểm tựa thứ ba là truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn", "bầu ơi thương lấy bí cùng…".

Điểm tựa thứ tư là nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Điểm tựa thứ năm là quân đội, công an. "Lúc cần, lúc khó có quân đội, công an"; "Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu"; "Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Điểm tựa thứ sáu là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta, của mỗi người khi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua giới hạn của bản thân, với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể".

Chuyên đề

Kết nối đầu tư