Bứt phá trong thu hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Ước tính, đến nay các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đã thu hút được gần 9.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 150.000 triệu USD. Trong 30 năm xây dựng và phát triển, KCN, KCX đã huy động được lượng vốn đầu tư lớn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước đến nay vào khu công nghiệp, khu chế xuất tương đương 171 tỷ USD, trung bình 4,61 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Ảnh: Lê Tiên
Tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước đến nay vào khu công nghiệp, khu chế xuất tương đương 171 tỷ USD, trung bình 4,61 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Ảnh: Lê Tiên

Tạo điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại

Theo đánh giá của các chuyên gia, với chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính giản đơn, thời gian qua, các KCN, KCX đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Số dự án và tổng vốn FDI liên tục tăng lên trong giai đoạn đầu (1991 - 1995) và tăng trưởng với tốc độ cao trong các kỳ kế hoạch 5 năm sau đó.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 1991 - 2000, khi các KCN, KCX đang trong quá trình triển khai xây dựng, đồng thời môi trường kinh doanh tại Việt Nam bắt đầu hấp dẫn các nhà đầu tư, số dự án có vốn FDI đạt 743 dự án với tổng vốn đăng ký 8.760 triệu USD.

Trong giai đoạn 2001 - 2010, số dự án và tổng vốn FDI tăng thêm là 3.238 dự án và 38.431 triệu USD, tăng 4,4 lần số dự án và 4,4 lần vốn đầu tư so với giai đoạn trước. Ngoài ra, trong giai đoạn này, môi trường đầu tư - kinh doanh trong nước ngày càng được cải thiện, khung pháp luật về đầu tư ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế, nên thu hút nhiều làn sóng đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Giai đoạn 2011 đến nay, thu hút FDI tăng hơn 1,4 lần số dự án và 2,27 lần vốn đầu tư so với giai đoạn 2001 - 2010.

Kết quả thống kê về đối tác đầu tư cho thấy, hiện nay có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào KCN, KCX Việt Nam. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu với 2.317 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 40.605 triệu USD, chiếm 27% về số dự án và 30% tổng vốn đầu tư vào KCN, KCX của cả nước. Đứng thứ hai là Nhật Bản với 1.449 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 24.676 triệu USD. Đứng thứ ba là Đài Loan với 1.092 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 13.287 triệu USD.

Đến nay các KCN, KCX đã thu hút được gần 9.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 150.000 triệu USD, số vốn thực hiện 97.630 triệu USD, đạt 72% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hàng năm, vốn FDI vào KCN, KCX chiếm từ 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Trong lĩnh vực công nghiệp, dự án FDI sản xuất công nghiệp trong KCN, KCX chiếm gần 70 - 80% tổng vốn FDI vào ngành công nghiệp cả nước.

Phát huy nội lực mạnh mẽ

Ngoài những đóng góp đáng kể trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong 30 năm qua, xây dựng và phát triển KCN, KCX còn là một trong những giải pháp để thực hiện chủ trương phát huy nội lực của các thành phần kinh tế trong nước.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong giai đoạn 1991 - 2000, các KCN, KCX thu hút được 472 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 20.689 triệu đồng. Trong giai đoạn 2001 - 2010, số lượng dự án trong nước đầu tư vào các KCN, KCX tăng gấp 8,3 lần với 3.905 dự án và tổng vốn đầu tư gấp 15 lần, tương đương 315.388 tỷ đồng. Thu hút đầu tư trong nước ở giai đoạn 2011 đến nay không tăng nhiều về số dự án, tuy nhiên tổng vốn đầu tư tăng do trung bình vốn đầu tư trên 1 dự án tăng so với kế hoạch trước. Trong các kỳ kế hoạch 5 năm, xu hướng gia tăng đầu tư trong nước vào KCN, KCX ngày càng rõ rệt. Đến nay có khoảng 7.500 dự án trong nước còn hiệu lực trong KCN, KCX với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 829 nghìn tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 458 nghìn tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước đến nay vào KCN, KCX tương đương 171 tỷ USD, trung bình 4,61 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê, cao hơn tỷ lệ tương tự so với các thời điểm 2015 (4,41 triệu USD/ha), 2010 (3,3 triệu USD/ha), 2005 (gần 2 triệu USD/ha). Tỷ lệ này ngày càng cao hơn qua các thời kỳ chứng tỏ thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất của các KCN, KCX ngày càng cao.

Thực tế gần 30 năm xây dựng và phát triển cho thấy, các KCN, KCX đã có những đóng góp ngày càng lớn vào việc nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong GDP của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN, KCX đều tăng dần qua các năm. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN, KCX đạt khoảng 188 tỷ USD, gấp 6,7 lần so với năm 2010 và 53 lần so với năm 2000.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp KCN, KCX trên thị trường thế giới đã được nâng cao đáng kể trong thời gian qua, thể hiện ở giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN, KCX tăng đều qua các năm từ 1996 trở lại đây. Trong giai đoạn 1991 - 1996, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN, KCX không đáng kể do các KCN, KCX và các doanh nghiệp mới hình thành và đi vào hoạt động. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp KCN, KCX thời kỳ kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 đạt 6,2 tỷ USD, tăng bình quân khoảng 18%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN, KCX trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã tăng từ mức khoảng 15% năm 2000 lên 25% năm 2010, tăng lên 48% năm 2015 và đạt 52% năm 2018. Cùng với việc gia tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến trong cơ cấu xuất khẩu, các doanh nghiệp trong KCN, KCX tạo nguồn hàng để cung cấp cho nhu cầu trong nước, giảm gánh nặng nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài.

Ngoài ra, các doanh nghiệp KCN, KCX đã có đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước. Trong thời kỳ 2001 - 2005, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp KCN, KCX tăng mạnh và đạt khoảng 2 tỷ USD, gấp 6 lần so với kế hoạch 5 năm 1996 - 2000. Trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, các KCN, KCX nộp ngân sách nhà nước 5,9 tỷ USD. Kế hoạch 2011 - 2015, doanh nghiệp KCN, KCX nộp ngân sách nhà nước gần 10 tỷ USD và giai đoạn từ 2016 - 06/2019 tăng lên gần 12,1 tỷ USD. Nếu tính bình quân 1 ha đất công nghiệp có thể cho thuê, đến tháng 06/2019, các KCN, KCX đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 2 triệu USD/ha; giá trị xuất khẩu 1,27 triệu USD/ha; nộp ngân sách nhà nước khoảng 1,38 tỷ đồng/ha. Trung bình 1 ha đất công nghiệp cho thuê đã tạo việc làm cho 77 lao động trực tiếp.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN, KCX ngày càng cải thiện, cao hơn các doanh nghiệp ngoài KCN, KCX. Đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước, trung bình một doanh nghiệp trong KCN, KCX đóng góp cao hơn gấp 13 lần so với một doanh nghiệp ngoài KCN, KCX.

Chuyên đề