Bước đột phá của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT: Không bỏ lọt nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau hơn 1 tháng có hiệu lực thi hành, việc cập nhật, áp dụng các quy định mới tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT được các chủ đầu tư, bên mời thầu cùng các nhà thầu đánh giá khá thuận lợi, ổn định. Đặc biệt, Thông tư có nội dung đột phá so với quy định cũ liên quan đến việc cho phép nhà thầu bổ sung hợp đồng tương tự, nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu sau thời điểm đóng thầu, ghi nhận sự đồng thuận cao từ phía các chủ thể tham gia đấu thầu.
Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT tạo thêm cơ hội để nhà thầu hoàn thiện hồ sơ dự thầu. Ảnh minh họa: Tường Lâm
Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT tạo thêm cơ hội để nhà thầu hoàn thiện hồ sơ dự thầu. Ảnh minh họa: Tường Lâm

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, phần lớn các gói thầu được mời thầu sau thời điểm 15/9/2022 - thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 08 đã áp dụng, tuân thủ các mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT) tại Thông tư.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh thiết bị giáo dục Thành Kiên cho biết, Thông tư số 08 khiến việc tham dự thầu trở nên hấp dẫn hơn, tạo thêm nhiều cơ hội để nhà thầu hoàn thiện hồ sơ dự thầu (HSDT). “Thông tư số 08 giúp nhà thầu chủ động, linh hoạt trong việc chứng minh năng lực, kinh nghiệm bằng hợp đồng tương tự cũng như nhân sự chủ chốt. Sẽ không còn rủi ro, bó cứng hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào việc làm rõ HSDT theo yêu cầu của bên mời thầu (BMT) do nhà thầu có thể thay thế 2 nội dung này sau khi đóng thầu”, nhà thầu cho biết.

Thực tế trước đây, đôi khi chỉ vì một sơ suất, nhầm lẫn nhỏ liên quan đến hợp đồng tương tự, nhân sự chủ chốt, nhà thầu có thể bị mất cơ hội trúng thầu. “Nhà thầu dù có kinh nghiệm, nhưng khi dự thầu, có thể vì lý do chủ quan, trục trặc kỹ thuật nên cung cấp tài liệu chưa phù hợp với gói thầu đang mời. Do đó, việc cho phép nhà thầu thay thế những nội dung này thực sự là bước tiến rất lớn. Chúng tôi đang có 3 hợp đồng thi công dở dang tại nhiều địa phương. Khi dự thầu, HSDT đề xuất 1 nhân sự chủ chốt đang vướng ở hợp đồng khác. Sau khi phát hiện, chúng tôi đã đề xuất thay thế nhân sự này bằng một nhân sự tương đương về bằng cấp, kinh nghiệm. BMT đã tuân thủ Thông tư số 08 và tiếp nhận thông tin thay thế của chúng tôi”, nhà thầu chuyên thi công xây dựng dân dụng tại TP.HCM cho biết.

Đối với nhà thầu thi công xây lắp giao thông, công tác huy động thiết bị là bài toán phức tạp do địa bàn thi công rộng, hoặc dự án vướng mặt bằng. Do đó, nhà thầu kê khai thiết bị rất dễ bị đánh giá là đang huy động cho công trình khác. “Nếu sau thời điểm đóng thầu, nhà thầu thay thế được thiết bị sẽ rất tốt khi có thể chủ động ký kết thêm các hợp đồng nguyên tắc để bổ sung thiết bị. Thực tế, nhiều nhà thầu đã bị đánh rớt bởi nội dung này trước khi Thông tư số 08 có hiệu lực”, đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Tú (Phú Yên) cho biết.

Trong tháng 9/2022, tổng số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng là 82.125/84.821 gói thầu, đạt tỷ lệ 96,82%. Đây là con số ấn tượng khi Thông tư số 08 với rất nhiều điểm mới có hiệu lực, thay thế 8 thông tư liên quan đến công tác đấu thầu qua mạng lẫn đấu thầu truyền thống. Nhiều địa phương hiện đạt 100% số gói thầu đấu thầu qua mạng như: Ninh Thuận, Lào Cai, Yên Bái, Tây Ninh, Bình Phước, Long An.

Theo Thông tư số 08, đối với hợp đồng tương tự, trường hợp các thông tin kê khai và tài liệu đính kèm trong HSDT không đáp ứng yêu cầu của HSMT, BMT yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung hợp đồng khác (được cập nhật từ hồ sơ năng lực của nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia) để đáp ứng yêu cầu của HSMT trong một khoảng thời gian phù hợp nhưng không ít hơn 3 ngày làm việc. Trường hợp nhà thầu không có hợp đồng đáp ứng yêu cầu của HSMT thì nhà thầu bị loại.

Đối với các nội dung về nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu, tổ chuyên gia đánh giá trên cơ sở thông tin kê khai của nhà thầu. Trường hợp nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu mà nhà thầu kê khai trong HSDT không đáp ứng yêu cầu của HSMT, BMT cho phép nhà thầu làm rõ, thay đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của HSMT trong một khoảng thời gian phù hợp nhưng không ít hơn 3 ngày làm việc. Trường hợp nhà thầu không có nhân sự chủ chốt, thiết bị thay thế đáp ứng yêu cầu của HSMT thì nhà thầu bị loại.

Theo đánh giá của ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây chính là nội dung đột phá, tạo cơ hội tối đa để nhà thầu phát huy khả năng cạnh tranh, chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi dự thầu. Đây cũng là điều kiện để các BMT nâng cao vai trò của khâu làm rõ HSDT, đánh giá tài liệu bổ sung, thay thế của nhà thầu một cách khách quan, hiệu quả, tránh bỏ lọt nhà thầu đủ năng lực.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh Long An cho biết, từ góc độ BMT, Ban Quản lý sẵn sàng tiếp nhận tài liệu bổ sung, thay thế các nội dung liên quan đến hợp đồng tương tự, nhân sự chủ chốt, thiết bị ­­­­­từ nhà thầu sau khi đóng thầu. Các tài liệu này sẽ được đánh giá như một phần không thể tách rời của HSDT. Việc dự thầu theo Thông tư số 08 sẽ giúp nhà thầu tăng cơ hội, giúp BMT thêm chuyên nghiệp, kỹ lưỡng để không nhà thầu nào bị loại một cách đáng tiếc ở khâu này.

Chuyên đề