Bùng nổ điện mặt trời và áp lực truyền tải

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuộc chạy đua đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) nói chung và điện mặt trời (ĐMT) nói riêng để hưởng ưu đãi theo chính sách của Chính phủ đã bổ sung đáng kể nguồn năng lượng sạch cho đất nước. Dẫu vậy, từ đây cũng đặt lên vai ngành điện áp lực nặng nề chưa từng có về giải phóng công suất khi hoàn toàn bị động trong truyền tải điện, dẫn đến phải cắt giảm hàng tỷ kWh điện NLTT.
Nhiều doanh nghiệp điện mặt trời gặp khó khăn vì bị cắt giảm công suất
Nhiều doanh nghiệp điện mặt trời gặp khó khăn vì bị cắt giảm công suất

Nhiều dự án bị cắt giảm công suất

Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), đến giữa tháng 7/2022, còn 51 dự án hoặc một phần dự án ĐMT, tổng công suất 6.564,67 MW đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch nhưng có phần công suất chưa đi vào vận hành; 5 dự án hoặc một phần dự án ĐMT với tổng công suất 452,62 MW đã thi công xong, chờ xác định giá bán điện.

Bên cạnh đó, một phần Dự án ĐMT tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận của Tập đoàn Trung Nam bị cắt giảm công suất khoảng 172 MW. Được biết, Chủ đầu tư đã triển khai đầu tư xây dựng, Dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực và công nhận vận hành thương mại (COD) một phần, còn phần công suất 172,12 MW chưa xác định được giá bán.

Cùng bị cắt giảm một phần công suất ĐMT, Công ty Điện lực Gia Lai giảm công suất huy động đối với tất cả hệ thống ĐMT đấu nối vào lưới điện trung áp, hạ áp của Công ty từ ngày 20 đến 26/9/2021.

Cùng thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư ĐMT ở Kon Tum như Công ty TNHH Little Tuscany, Công ty CP Đầu tư điện lực Ngọc Wang, Công ty TNHH An Lạc Inc, Công ty TNHH Solar Kon Tum… nhận được Văn bản số 3712/KTPC-KD+ĐĐ của Công ty Điện lực Kon Tum thông báo dự kiến phương thức huy động công suất các hệ thống ĐMT tại tỉnh Kon Tum từ ngày 20/9 - 31/12/2021. Theo đó, mức huy động công suất dự kiến đối với hệ thống ĐMT của các doanh nghiệp là 40,68%.

Nhiều chủ dự án ĐMT ở các huyện Đắk Mil, Cư Jút, Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) cũng “ngồi trên đống lửa” do bị cắt giảm sản lượng phát điện. Thậm chí có ngày, tỷ lệ cắt giảm công suất lên đến 100%.

Trước việc bị cắt giảm công suất, các doanh nghiệp đầu tư ĐMT, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận… đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn, ưu tiên khai thác nguồn NLTT từ các dự án này. Tuy nhiên, đến nay những kiến nghị vẫn chưa được giải quyết do phải chờ Quy hoạch điện VIII và điều tiết truyền tải điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Vướng mắc ở quy hoạch?

Giáo sư Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng, nếu có một quy hoạch tốt thì không có hiện tượng bùng nổ NLTT như thời gian qua. Còn theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguyên nhân gây ra “lạm phát” thị trường điện tái tạo năm 2021 là do nguồn điện gió, ĐMT thực tế cao hơn rất nhiều lần so với công suất đưa ra tại Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Thực trạng này diễn ra khi bộ chức năng và địa phương buông lỏng sau cấp phép, còn phía điện lực thì chỉ cần ký được hợp đồng mua bán điện... khiến chính sách khuyến khích phát triển NLTT bị mất cân đối.

Trước tình trạng này, một số nhà đầu tư NLTT cho rằng, cần cấp thiết có một quy hoạch công suất nguồn cụ thể theo từng giai đoạn, từng vùng cũng như có cơ chế và tiêu chí lựa chọn rõ ràng các dự án để đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia và quyền lợi của các nhà đầu tư.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, truyền tải điện thời gian qua gặp vướng mắc ở tầm nhìn, quy hoạch, vì công suất tăng đột biến, quá sức chịu đựng của truyền tải điện dẫn đến cấu trúc bất hợp lý, chỗ thừa, chỗ thiếu. Có chỗ công suất chỉ được giải tỏa 4 - 5%, còn lại thì dư thừa và không thể tích trữ, rất lãng phí trong khi doanh nghiệp còn khó khăn. “Đường dây 500 kV Bắc - Nam là để chuyển điện từ miền Bắc vào miền Nam nhưng ở thời điểm hiện tại thì điện từ miền Nam lại chuyển ngược ra miền Bắc”, ông Lực nói.

Về nguồn vốn, theo ông Lực, mỗi năm ngành điện cần 10 tỷ USD để đầu tư trong tầm nhìn từ nay đến năm 2030, đó là chưa tính chi phí có thể đội lên do giải phóng mặt bằng. Trong đó, riêng truyền tải điện chiếm 15% tổng kinh phí đầu tư, tức 1,5 tỷ USD/năm. Vậy nguồn tiền huy động từ đâu? Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2 năm tới, không có thêm vốn đầu tư công cho lĩnh vực năng lượng, chỉ có hạ tầng giao thông. Do đó, ông Lực cho rằng phải xã hội hóa đầu tư với sự đóng góp của tư nhân trong và ngoài nước. Ông Lực cũng nêu quan điểm đồng tình khi Chính phủ và Quốc hội thống nhất cho phép tư nhân tham gia truyền tải điện. Còn tham gia ở khâu nào thì cần tính toán, nếu truyền tải lớn thì vẫn là Nhà nước, còn vừa và nhỏ thì có thể tư nhân tham gia.

Tương ứng với 3 kịch bản tăng trưởng GDP đến năm 2030, Bộ Công Thương đã lên 3 kịch bản phụ tải điện, bao gồm: phụ tải thấp (tăng 8,43%/năm giai đoạn 2021 - 2025, tăng 7,14%/năm giai đoạn 2026 - 2030), cơ sở (tăng 9,09%/năm giai đoạn 2021 - 2025, tăng 7,95%/năm giai đoạn 2026 - 2030) và cao (tăng 9,84%/năm giai đoạn 2021 - 2025, tăng 8,88%/năm giai đoạn 2026 - 2030).

Theo Bộ Công Thương, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã tính toán các chương trình phát triển nguồn và lưới điện đáp ứng các kịch bản phụ tải cơ sở và phụ tải cao, đảm bảo đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, ổn định, có khả năng tích hợp tỷ lệ cao các nguồn NLTT, khắc phục tình trạng quá tải, nghẽn mạch, chất lượng điện áp thấp và một số vấn đề kỹ thuật vận hành lưới điện khác.

Dự thảo Quy hoạch được đưa ra căn cứ trên tính toán về tổng khối lượng đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm: xây dựng mới 46.650 MVA và cải tạo 37.800 MVA trạm biến áp 500 kV; xây dựng mới 12.490 km và cải tạo 1.324 km đường dây 500 kV; xây dựng mới 74.275 MVA và cải tạo 34.497 MVA trạm biến áp 220 kV; xây dựng mới 16.061 km, cải tạo 6.484 km đường dây 220 kV.

Cùng với đó là chương trình phát triển nguồn điện. Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện dự kiến đạt 145.930 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và điện đồng phát). Trong đó, nhiệt điện than đạt 37.467 MW (chiếm 25,7%); thủy điện (gồm cả thủy điện nhỏ) đạt 28.946 MW (19,8%); nhiệt điện sử dụng khí nội đạt 14.930 MW (10,2%); điện khí LNG đạt 23.900 MW (16,4%); điện gió trên bờ đạt 16.121 MW (11%); điện gió ngoài khơi đạt 7.000 MW (4,8%); điện mặt trời tập trung 8.736 MW...

Chuyên đề