Bức tranh thu nhập của lãnh đạo công ty đại chúng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khảo sát 200 doanh nghiệp đại chúng về lương, thưởng, thù lao trả cho ban tổng giám đốc, hội đồng quản trị (HĐQT) năm 2023 cho thấy, thu nhập của tổng giám đốc (CEO) ở nhóm doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối chưa bằng 50% so với người cùng vị trí ở nhóm doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả hoạt động tương đồng (thể hiện qua tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu - ROE).
Nguồn: FiinGroup (số liệu 2023)
Nguồn: FiinGroup (số liệu 2023)

Từ thực tế này, FiinGroup khuyến nghị, cần thay đổi cách trả thu nhập cho người lãnh đạo để cải thiện hiệu quả khối doanh nghiệp nhà nước.

Trong khối doanh nghiệp đại chúng tư nhân, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dành 99,94 tỷ đồng năm 2023 trả thu nhập cho Ban Tổng giám đốc (gồm 9 thành viên) Tuy nhiên, ACB không nêu mức trả cụ thể cho từng vị trí. Đây là lý do ACB đứng ngoài TOP 15 doanh nghiệp có thu nhập CEO năm 2023 cao nhất, theo xếp hạng của FiinGroup mới đây.

Ngân hàng Techcombank (TCB) đã chi 283,3 tỷ đồng cho Ban Tổng giám đốc năm 2023, gồm 7 thành viên, trong đó có Tổng giám đốc là ông Jens Lottner. Tương tự ACB, Techcombank không công bố chi tiết thu nhập của từng người, nên cũng đứng ngoài danh sách xếp hạng thu nhập của Tổng giám đốc theo dữ liệu FiinGroup thu thập.

Ở khối doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - VCB (Ngân hàng Nhà nước nắm 63,34%) chọn cách công bố thu nhập trung bình của người lãnh đạo. Báo cáo thường niên mới đây của VCB cho biết, trong Ban Tổng giám đốc VCB, nữ thu nhập bình quân 1,678 tỷ đồng/người, trong khi nam có thu nhập bình quân 3,894 tỷ đồng/người năm 2023. Trong HĐQT, nữ thành viên HĐQT VCB nhận thù lao trung bình 2,37 tỷ đồng/người, trong khi nam thành viên có thu nhập 2,059 tỷ đồng/người năm 2023.

Báo cáo hợp nhất báo cáo tài chính năm 2023 của VCB cho biết, tổng chi thu nhập cho Ban Tổng giám đốc chưa tới 40 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức chi tại ACB và TCB.

Tại doanh nghiệp sản xuất mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối là Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Báo cáo thường niên năm 2023 cho thấy, mức chi thu nhập cho Ban Tổng giám đốc cộng Kế toán trưởng tại PV Power (tổng cộng 9 thành viên) chỉ có 7,512 tỷ đồng, trong đó, Tổng giám đốc PV Power nhận 1,049 tỷ đồng tiền lương, thưởng vào năm 2023. Doanh nghiệp này có doanh thu hợp nhất 28.329 tỷ đồng, lợi nhuận 1.282 tỷ đồng năm 2023. 6 tháng đầu năm 2024, PV Power đạt 15.650 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 666,7 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất.

Khối doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả tương đương với PV Power xét theo chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (khoảng 3 - 3,5%) có Tập đoàn Vingroup (VIC). Báo cáo tài chính hợp nhất của Vingroup cho biết, năm 2023, Tổng giám đốc Nguyễn Việt Quang nhận lương 11,125 tỷ đồng, các thành viên khác trong Ban Tổng giám đốc của Tập đoàn nhận tổng lương 42,286 tỷ đồng.

Khảo sát 200 doanh nghiệp đại chúng có dữ liệu công khai cho thấy, TOP 15 doanh nghiệp có thu nhập CEO lớn nhất năm 2023 hoàn toàn thuộc về khối tư nhân. Đứng đầu danh sách là Công ty CP Đầu tư Kinh Bắc (KBC) với thu nhập của CEO là 17 tỷ đồng năm 2023. Tiếp theo là MSN với 14,7 tỷ đồng, VHM 13,9 tỷ đồng, NLG 12,9 tỷ đồng, Vingroup là 11,125 tỷ đồng và vị trí thứ 15 là PVI với 5,4 tỷ đồng (xem bảng).

FPT nằm ngoài TOP 15 với thu nhập của Tổng giám đốc là 4,4 tỷ đồng năm 2023. Điểm thú vị tại FPT là, 3 vị trí trong HĐQT FPT gồm ông Trương Gia Bình (Chủ tịch), ông Bùi Quang Ngọc (Phó Chủ tịch) và ông Đỗ Cao Bảo (Ủy viên HĐQT) đều không nhận đồng thù lao nào trong những năm gần đây.

Thống kê của FiinGroup cho biết, thu nhập bình quân (không bao gồm cổ phiếu cho người lao động ESOP) của vị trí CEO trong 200 công ty đại chúng năm 2023 ở mức dưới 2,5 tỷ đồng, trong đó ngành bất động sản, dịch vụ tài chính (chủ yếu là chứng khoán) và bảo hiểm là những ngành có con số tuyệt đối cao nhất, vượt trội so với mức bình quân của thị trường.

Cụ thể, ngành bất động sản có hiệu quả hoạt động suy giảm nhiều năm liên tiếp, nhưng thu nhập cho vị trí CEO bình quân lại ở mức cao nhất trong các ngành (4,9 tỷ đồng năm 2023). Ngành dịch vụ tài chính cao thứ hai, với bình quân 4,5 tỷ đồng/CEO và thứ ba là ngành bảo hiểm với 3 tỷ đồng/CEO.

Điểm đáng chú ý trong bức tranh 200 doanh nghiệp đại chúng minh bạch thu nhập của đội ngũ lãnh đạo là thu nhập của CEO ở nhóm doanh nghiệp mà Nhà nước nắm chi phối (nắm trên 51%) chưa bằng 50% so với nhóm doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả hoạt động tương đồng. Ở nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước (Nhà nước sở hữu từ 25% đến dưới 51%), thu nhập bình quân của CEO cũng như chủ tịch HĐQT thấp hơn 16 - 20% so với mức bình quân toàn thị trường.

Để cải thiện hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước, FiinGroup cho rằng, cần thu hẹp khoảng cách về thu nhập của các vị trí điều hành giữa nhóm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả kinh doanh tương đồng (tính theo tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu). Bên cạnh đó, cần gắn kết thu nhập với hiệu quả hoạt động kinh doanh và tăng trưởng giá trị công ty cho HĐQT, thành viên Ban điều hành và các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong một giai đoạn chiến lược cụ thể cũng như từng năm.

Từ năm 2020, các công ty đại chúng phải hạch toán và thuyết minh thu nhập của ban lãnh đạo theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Thông tư 96/2020/TT-BTC. Tuy nhiên, bên cạnh hàng trăm doanh nghiệp công bố chi tiết loại thông tin này, nhiều doanh nghiệp chỉ công bố con số tổng chi cho ban lãnh đạo, “bảo mật” thu nhập từng thành viên.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư