Bức tranh doanh nghiệp 9 tháng: Dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đi qua 2/3 chặng đường của năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tín hiệu đáng mừng nhìn từ hoạt động đăng ký kinh doanh cho thấy dấu hiệu hồi phục của khu vực DN đang dần rõ nét hơn.
Trong tháng 9, cả nước có 18.492 DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Trong tháng 9, cả nước có 18.492 DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong tháng 9, cả nước có 18.492 DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất trong tháng 9 từ trước đến nay. Trong đó, số DN đăng ký thành lập mới là 12.684 DN, cao nhất trong giai đoạn tháng 9 kể từ trước đến nay.

Trong quý III/2023, số DN gia nhập thị trường là 40.468 DN, mức cao nhất trong quý III kể từ trước đến nay, gấp 1,1 lần so với cùng kỳ năm 2022 (36.558 DN) và gấp 1,3 lần so với mức trung bình DN thành lập mới trong quý III giai đoạn 2018 - 2022 (31.852 DN). Tương tự, số DN tái gia nhập thị trường trong quý là 19.091 DN, cũng đạt mức cao nhất trong quý III kể từ trước đến nay.

Trong 9 tháng đầu năm, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 165.240 DN, mức cao nhất của cùng kỳ giai đoạn 2018 - 2023.

Điểm tích cực nữa là trong tổng số DN rút lui khỏi thị trường, tỷ lệ DN giải thể đang có xu hướng giảm. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ này chỉ còn 9,79% (có 13.228 DN). Trong khi đó, 9 tháng đầu năm các năm 2019, 2020, 2021 và 2022 tỷ lệ DN giải thể lần lượt là 19,6%, 15,4%, 14,2% và 12,3%.

Trên thị trường, những tín hiệu hồi phục sản xuất, kinh doanh đang ngày càng rõ rệt. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản đang trở lại đường đua và dần tăng tốc.

Chia sẻ với Báo Đầu thầu, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, đi qua 2/3 chặng đường năm 2023, dù phục hồi chưa như ý, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty đã có một số tiến triển, nhất là 2 tháng gần đây. Về triển vọng kinh doanh những tháng cuối năm, ông Lực nhận định, xu thế hồi phục này còn giữ vững, bởi hiện số hợp đồng, đơn hàng thủy sản, nông sản xuất khẩu đang khá tốt.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết, tình hình tiêu thụ thép xây dựng đang có chiều hướng tích cực hơn. Trong tháng 8, sản lượng bán hàng thép xây dựng của Tập đoàn đạt 306.000 tấn, cao nhất từ đầu năm và tăng 18% so với tháng trước…

Thêm trợ lực chính sách cho doanh nghiệp mạnh lên

Mặc dù vậy, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, DN vẫn chưa hết khó khăn. 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 135.105 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn bình quân của DN đăng ký thành lập mới có xu hướng giảm theo thời gian. 9 tháng đầu năm, tổng số vốn đăng ký của DN thành lập mới là 1.086.776 tỷ đồng, là mức thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay…

Nhiều lĩnh vực có sự sụt giảm về vốn đăng ký mới như: thông tin và truyền thông giảm 53,2%; kinh doanh bất động sản giảm 51,3%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 47,4%…

Trong bối cảnh đó, theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, DN rất cần những “trợ lực”, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh. Trong khi đó, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh chưa vượt qua xu hướng chậm lại, vẫn tồn tại những “rào cản” bào mòn nỗ lực phục hồi của DN.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ rõ, DN đang đối mặt với rào cản về chi phí kinh doanh cao, làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích lũy vốn của nền kinh tế; chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cũng cần cải thiện…

Vì vậy, để hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn, thách thức, có thêm cơ hội bứt tốc phục hồi sản xuất kinh doanh mạnh mẽ hơn trong quý IV/2023, các chuyên gia kinh tế cũng như DN đều cho rằng, cần tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt từ thể chế, chính sách đang cản trở sự phát triển của DN. “Chúng ta cần tạo ra một thể chế chắc chắn, rõ ràng, minh bạch và có thể dự báo được những diễn tiến chính sách để DN tiên liệu được trong hoạt động”, ông Cung nhấn mạnh.

Về việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất, kinh doanh, theo ông Đậu Anh Tuấn, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn như gỡ rào cản về quy trình, thủ tục khi vay vốn; hạ lãi suất…

Bên cạnh đó, cần tiếp tục các nỗ lực thu hút các nguồn vốn mới thông qua hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp để thêm động lực cho DN cũng như nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng.

Một số chuyên gia khác nhấn mạnh đến yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, tránh hiện tượng cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là cơ hội của DN.

Chuyên đề