Bức tranh doanh nghiệp 2 tháng đầu năm 2023: Khó khăn ngấm sâu, tăng sức ép cải cách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhìn vào bức tranh doanh nghiệp (DN) 2 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, dù vẫn có những tín hiệu khả quan nhưng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường lại sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới cũng như trong nước đang ngấm sâu vào cộng đồng DN trong nước.
Việc tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn. Ảnh: Tiên Giang
Việc tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn. Ảnh: Tiên Giang

Những con số đáng suy ngẫm

Sự sụt giảm mạnh về số vốn đăng ký của DN thành lập mới và số vốn đăng ký bình quân trên 1 DN trong 2 tháng đầu năm 2023 là dấu hiệu nổi lên trong bức tranh thành lập DN được cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh công bố.

Cụ thể, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, dù số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường 2 tháng đầu năm khả quan hơn so với 2 tháng trước đó với 37.862 DN, nhưng lại giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số DN thành lập mới là 19.684 DN, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022; tổng vốn đăng ký đạt 164.665 tỷ đồng, giảm 40,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Vốn đăng ký bình quân trên 1 DN thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2022. “Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 2 tháng đầu năm kể từ năm 2017 đến nay”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.

Về ngành nghề đăng ký kinh doanh, có tới 8/17 ngành nghề có sự sụt giảm cả về số lượng DN và số vốn đăng ký mới. Giảm mạnh nhất là các ngành: kinh doanh bất động sản (giảm 62,4% về số DN gia nhập thị trường và giảm 68,9% về số vốn đăng ký); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 21,1% về số DN gia nhập thị trường và giảm 69,2% về số vốn đăng ký)...

Trong 2 tháng qua, có 18.178 DN quay trở lại hoạt động, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, có 51.400 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022, 75% trong số này lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.

Ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long chia sẻ, do tiếp cận nguồn vốn khó khăn, tới thời điểm này, DN đã tạm đóng cửa Nhà máy được 4 - 5 tháng, gần 400 lao động phải nghỉ việc không lương. “Do DN không cung cấp được hàng hóa theo các hợp đồng ký kết, bị các chủ đầu tư phạt tiền… khiến khó chồng lên khó”, ông Hồng lo lắng.

Với lĩnh vực bất động sản, trong báo cáo gần đây, Bộ Xây dựng cho biết, các DN bất động sản đang vô cùng khó khăn, nhiều DN lớn phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, giảm lực lượng lao động, cá biệt có tập đoàn giảm đến 50% số lao động. Không ít dự án đang triển khai phải dừng, đình hoãn đầu tư, thi công…

Nguyên nhân khiến hoạt động gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường của DN sụt giảm, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, là do những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, trong đó lạm phát cao ở một số thị trường lớn, xung đột quân sự, thảm họa thiên nhiên… tạo ra những tác động bất lợi cho nền kinh tế nước ta nói chung và cộng đồng DN nói riêng. Ở trong nước, việc tiếp cận nguồn vốn của DN để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn.

Về môi trường kinh doanh, một số ý kiến cho rằng, thể chế, quy định pháp luật còn vướng mắc. Bên cạnh đó, có hiện tượng tổ chức, người thực thi pháp luật ở địa phương có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định…

Tăng tốc tháo gỡ khó khăn

Từ những khó khăn đang gặp phải, ông Vũ Đình Hồng kiến nghị các cơ quan chức năng tăng tốc, quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN. “Nếu những khó khăn không được giải quyết, DN sẽ phá sản chứ không chỉ là đóng cửa tạm dừng hoạt động như hiện nay”, ông Hồng lo lắng.

Chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng DN, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN là rất cần thiết.

“Nhiều khả năng 2 năm tới thị trường xuất khẩu tiếp tục khó khăn nên cầu trong nước sẽ là nhân tố quyết định thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, tôi ủng hộ bất cứ nỗ lực nào của Chính phủ về giảm chi phí cho DN, chẳng hạn tiếp tục miễn, giảm thuế, phí cho DN”, ông Cung gợi ý.

Phân tích về lợi ích của việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế cho DN, ông Cung chỉ ra, từ những kinh nghiệm, bài học hỗ trợ DN trong quá khứ, việc miễn, giảm thuế cho DN là các hỗ trợ mang lại hiệu quả, bởi không phải qua thực hiện nhiều thủ tục hành chính. Hơn nữa, thực tế còn dư địa để thực hiện giải pháp này.

Trước những lo ngại về hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh hạ nhiệt trong khi đây được xem là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của cộng đồng DN, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

Để làm được điều này, theo ông Cung, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe DN, lắng nghe những cơ quan độc lập để nhận diện điểm nghẽn, từ đó giải quyết vấn đề cho DN. “Những vụ việc rất nhỏ nếu được giải quyết kịp thời sẽ tạo niềm tin và tạo động lực cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn”, ông Cung nói.

Chuyên đề