Sản lượng bia toàn quốc trong quý I/2020 giảm 19%, trong khi năm 2019 tăng gần 10%. Ảnh: Tường Lâm |
Rủ nhau đi xuống
Với Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), trong quý đầu năm 2020, Công ty đạt 773,7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu giảm kéo theo lợi nhuận gộp giảm hơn 55% về 148 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm nhẹ 3% về gần 185 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4% lên hơn 80 tỷ đồng. Kết quả, Habeco lỗ trước thuế tới 96 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi gần 98 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, Habeco công bố mức lỗ trước thuế gần trăm tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của Habeco âm hơn 1.000 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối quý I của Habeco còn 6.828 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền và tương đương (bao gồm tiền gửi) còn 1.817 tỷ đồng, giảm 37%; hàng tồn kho tăng 17,5% lên 751 tỷ đồng.
Tương tự Habeco, “ông lớn” đầu ngành bia rượu nước giải khát là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khép lại 3 tháng đầu năm 2020 với tình hình doanh thu và lợi nhuận đều lao dốc mạnh. Cụ thể, doanh thu giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019 (từ 9.337 tỷ đồng về 4.909 tỷ đồng). Doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp giảm chi phí để bù đắp như cắt bớt chi phí quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 44% xuống 716,9 tỷ đồng, ghi nhận mức thấp nhất kể từ quý I/2016 đến nay.
Nhiều doanh nghiệp khác như: Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây báo lãi quý I/2020 giảm 30,8% về mức 27 tỷ đồng, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung báo lãi giảm 53,7% về mức 19 tỷ đồng, hay Công ty CP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi lợi nhuận ròng giảm tới 83% còn 7 tỷ đồng.
Tác động kép
Quan sát tác động của Nghị định 100, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lưu lượng khách đến các quán ăn giảm rõ rệt và người dân có xu hướng chuyển sang các loại nước uống khác như nước suối, nước có ga...
Ảnh hưởng lớn thứ hai lên toàn bộ các ngành sản xuất kinh doanh là dịch Covid-19. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, hạn chế đi lại, dịch bệnh còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng cùng hoạt động kinh doanh và gây trì trệ các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm các biện pháp ngăn chặn sự lây lan như đóng cửa các quán bia, rượu, karaoke và câu lạc bộ đêm tại nhiều tỉnh, thành.
Trước tác động kép từ dịch Covid-19 và Nghị định 100, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có cồn, nhất là với rượu, bia sụt giảm mạnh. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), sản lượng bia toàn quốc trong quý I/2020 giảm 19%, trong khi năm 2019 tăng trưởng gần 10%.
Đánh giá về tình hình kinh doanh của ngành công nghiệp bia rượu tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco cho biết: “Chúng tôi dự kiến tình hình sẽ tiếp tục trở nên khó khăn hơn, trước khi có thể bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm 2020”.