BSR sản xuất kinh doanh ổn định nhờ các giải pháp quản trị biến động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, cuộc sống dần trở lại nhịp đập như trước. Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chủ động triển khai các giải pháp quản trị biến động, duy trì công tác vận hành Nhà máy ổn định, liên tục với công suất linh hoạt để cung ứng sản phẩm xăng dầu cho phục hồi chuỗi sản xuất trong tình hình mới.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang vận hành 100% công suất, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho phục hồi chuỗi sản xuất trong tình hình mới
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang vận hành 100% công suất, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho phục hồi chuỗi sản xuất trong tình hình mới

Quý III năm nay có lẽ là thời điểm khó khăn nhất của BSR khi nhiều tỉnh/thành áp dụng Chỉ thị 16 trong thời gian dài, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm, tồn kho tăng cao kỷ lục. Nếu như năm 2020, giá dầu thấp là nỗi ám ảnh với doanh nghiệp thì năm 2021, công tác tiêu thụ sản phẩm trở thành thách thức to lớn. Khi kho của BSR cũng như kho chứa của các nhà kinh doanh xăng dầu Petrolimex, PVOil… đều đầy ắp, quá tải, đã có những lúc bài toán đóng cửa Nhà máy được đặt ra. Chấp nhận đứt gãy chuỗi sản xuất hay duy trì vận hành, đâu là giải pháp ít tổn thất nhất?

Đứng trước bài toán khó đó, để không đứt mạch sản xuất và cung ứng xăng dầu, BSR đã chủ động triển khai các giải pháp quản trị biến động như vận hành Nhà máy ở mức tối thiểu, tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm, huy động các kho ngoài Nhà máy để tăng dung tích chứa sản phẩm, ban hành các chính sách kích cầu bán sản phẩm, tích cực đàm phán với các đối tác để hoán đổi hoặc giãn tiến độ nhận các lô dầu thô, tránh tồn kho dầu thô tăng cao… Đồng thời, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhất và phương án “3 tại chỗ” đã được thiết lập tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Kết quả, trong 9 tháng qua, BSR đã duy trì vận hành Nhà máy an toàn, ổn định, liên tục và không phải dừng sản xuất. Ngay khi thị trường có tín hiệu khởi sắc và Chính phủ chủ trương thay đổi phương thức phòng chống dịch, nới lỏng giãn cách, thúc đẩy sản xuất kinh doanh an toàn, BSR đã bắt nhịp tăng tốc kịp thời, tận dụng cơ hội để tăng công suất của Nhà máy từ công suất tối thiểu lên 85% vào ngày 22/9 và hiện vận hành 100% công suất. Việc tăng công suất của Nhà máy tại thời điểm này nhằm đáp ứng nhu cầu dầu DO tăng cao. Tuy nhiên, sức tiêu thụ của sản phẩm xăng chưa thật sự phục hồi.

Việc chủ động tăng công suất vận hành, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, linh hoạt trong chính sách bán hàng của BSR cũng như các nhà kinh doanh xăng dầu sẽ đảm bảo nguồn cung trong nước, hạn chế các trường hợp trục lợi, đầu cơ, găm hàng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất ngay sau đại dịch.

Đồng hành với công tác chống dịch, BSR đã cung cấp miễn phí xăng dầu cho các phương tiện phục vụ công tác chống dịch tại TP.HCM với giá trị 1 tỷ đồng thông qua hệ thống phân phối của PVOil. BSR cũng đóng góp 20 tỷ đồng cho Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19, hỗ trợ 12,6 tỷ đồng để mua 30 máy thở cho bệnh viện tại các tỉnh bùng phát dịch bệnh và hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi hơn 1,5 tỷ đồng phòng, chống dịch.

Trước dự báo về một mùa đông lạnh, hoạt động khai thác dầu ở Bắc bán cầu sẽ chịu tác động tiêu cực, thị trường dầu mỏ có nhiều diễn biến khó lường và có xu hướng tăng. Những ngày đầu tháng 10, giá dầu Brent đã chạm mốc 82 USD/thùng, mức cao nhất 3 năm qua. Kết hợp với nhu cầu tăng nhanh và tăng cao sau đại dịch ở các nền kinh tế đã mở cửa đẩy giá dầu thế giới có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ở trong nước, mức độ phục hồi tiêu thụ xăng dầu còn chậm nên dự kiến trong các tháng cuối năm, việc tiêu thụ sản phẩm xăng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng với những kinh nghiệm đã tích lũy được cũng như bản lĩnh tổ chức sản xuất kinh doanh đã được thử thách trong gần 2 năm qua, BSR tin tưởng sẽ vượt qua mọi khó khăn để vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định; tận dụng cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021.

Chuyên đề