Brexit sẽ tác động thế nào đến kinh tế châu Á?

Nhập khẩu của Anh sẽ giảm khoảng 25% trong 2 năm sau khi Anh rời EU...
Xuất khẩu sang Anh hiện chiếm 0,7% GDP châu Á - Ảnh: Telegraph
Xuất khẩu sang Anh hiện chiếm 0,7% GDP châu Á - Ảnh: Telegraph

Dù việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) có thể tác động mạnh thậm chí gây xáo trộn kinh tế châu Âu thì tại châu Á, mức ảnh hưởng sẽ ít hơn rất nhiều, theo bài bình luận mới được Bloomberg đăng tải. 

Tính toán của tổ chức Capital Economics tại London cho thấy việc Anh rời EU (Brexit) sẽ khiến tăng trưởng GDP của các nền kinh tế châu Á giảm ước khoảng 0,2%. Capital Economics đưa ra được số liệu này dựa trên ước tính của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Anh (NIESR), theo đó, nhập khẩu của Anh sẽ giảm khoảng 25% trong 2 năm sau khi Anh rời EU. 

Theo chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, ông Daniel Martin, xuất khẩu sang Anh hiện chiếm 0,7% GDP châu Á và kể cả khi xuất khẩu Anh giảm đến 25% trong 2 năm thì tăng trưởng GDP toàn châu Á cũng giảm chỉ 0,2%. 

Tuy nhiên trong khi một số nền kinh tế châu Á chịu tác động thì có không ít nền kinh tế khác trong khu vực hưởng lợi phần nào. Trong số đó có thể kể đến Campuchia, Việt Nam và đặc biệt là Hồng Kông, nhờ vào mối quan hệ đã có từ rất lâu với Anh. Hiện tại, xuất khẩu sang Anh đang chiếm 2,3% trong tổng GDP của Hồng Kông. 

Ông Martin kết luận Brexit sẽ chỉ gây ra những tác động không lớn lên các nền kinh tế châu Á, ông chỉ ra rủi ro của kinh tế châu Á đến từ nhiều yếu tố khác ví như việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại hay gánh nặng nợ công tại một số nước đã quá cao. 

Trong một nghiên cứu khác công bố ngày 17/6, Capital Economics đưa ra số liệu cụ thể hơn về tác động của Brexit lên nhóm nền kinh tế lớn nhất tại châu Á, theo đó hiện nay xuất khẩu từ Trung Quốc sang Anh hiện chiếm 0,5% GDP Trung Quốc, vì vậy Brexit không thể gây ảnh hưởng quá lớn lên kinh tế Trung Quốc. 

Hai chuyên gia thuộc Capital Economics, ông Chang Liu và Julian Evans-Pritchard, viết trong nghiên cứu như sau: “Trung Quốc hoàn toàn có thể chống chọi tốt với bất kỳ đợt bán tháo tài sản nào có thể xảy ra trên thị trường tài chính thế giới nếu kịch bản Brexit trở thành hiện thực. Lý do đơn giản bởi vị thị trường vốn Trung Quốc vẫn khép kín, chính vì thế mối liên hệ giữa thị trường Trung Quốc và thế giới không lớn. Cùng lúc đó, với dự trữ ngoại tệ khổng lồ, Trung Quốc có thể cứu đồng Nhân dân tệ bất kỳ lúc nào họ muốn.” 

Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp châu Á, họ đang rất hy vọng vào việc Brexit sẽ không xảy ra. Theo chuyên gia chiến lược đầu tư tại Capital Group tại Singapore, ông Eric Delomier, Brexit sẽ gây ra một số ảnh hưởng địa chính trị và thương mại lên châu Á: “Nhìn từ góc độ thương mại, Brexit sẽ không có lợi cho hoạt động thương mại của phần lớn nước châu Á.” 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư