“Bóng ma” nợ nần, thua lỗ đeo bám Hoàng Anh Gia Lai

Ngay sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán với ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán viên về tình trạng thua lỗ, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hàng nghìn tỷ đồng… cổ phiếu HNG đã nối bước HAG bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Cặp đôi cổ phiếu này đều bị mất giá trong phiên 3/4.
Cả hai mã cổ phiếu HAG và HNG đều đã bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên HSX
Cả hai mã cổ phiếu HAG và HNG đều đã bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên HSX

Trong một phiên thị trường giao dịch không mấy khả quan, cặp đôi cổ phiếu HAG-HNG của Hoàng Anh Gia Lai đều “đỏ điểm”. Trong đó, HNG mất 2,89% còn 15.100 đồng/cổ phiếu và xoá sạch thành quả của phiên tăng trước đó; HAG cũng giảm 0,92% còn 5.390 đồng/cổ phiếu, nối dài chuỗi 6 phiên liền không tăng giá của mã này, trong đó có tới 5 phiên giảm.

Mặc dù đã có những bước chuyển biến tích cực và triển vọng sáng hơn sau thoả thuận hợp tác chiến lược với Thaco, song Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa khắc phục được tình trạng lỗ luỹ kế. Đây cũng chính là lý do mà HAG và HNG bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên HSX, riêng HAG đang thuộc diện cảnh báo.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của HAGL và HAGL Agrico, kiểm toán viên đều nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.

Cụ thể, tại HAGL, lỗ luỹ kế đến 31/12/2018 là 36,4 tỷ đồng; nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 6.568,83 tỷ đồng và vi phạm một số điều khoản của các trái phiếu. Còn tại HNG, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 4.336,12 tỷ đồng và cũng vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.

Đáng nói là tuy diễn biến giá tiêu cực nhưng thanh khoản tại HAG và HNG vẫn khá tốt. Khối lượng giao dịch bình quân tại HAG trong 1 tháng qua lên tới 5,5 triệu cổ phiếu/phiên và tại HNG cũng trên 1 triệu cổ phiếu/phiên.

Phiên giao dịch 3/4, chỉ số chính VN-Index “thoát hiểm” trong phiên chiều khi có lúc đã lùi xuống ngưỡng 980 điểm trước khi hồi phục về 984,46 điểm, ghi nhận mất 1,35 điểm tương ứng 0,14%. HNX-Index cũng đánh mất 0,19 điểm tương ứng 0,17% còn 107,3 điểm.

Thị trường giằng co với chênh lệch số mã tăng giảm trên thị trường không quá lớn. Tuy vậy, độ rộng thị trường vẫn nghiêng về số mã giảm với 330 mã giảm giá, 40 mã giảm sàn và 297 mã tăng giá, 54 mã tăng trần.

Thanh khoản đạt 216,94 triệu cổ phiếu tương ứng 4.362,79 tỷ đồng trên HSX và 29,76 triệu cổ phiếu tương ứng 486,41 tỷ đồng trên HNX.

Phiên này, cổ phiếu VIC giảm giá đã tác động tiêu cực đến VN-Index. Mã này gây thiệt hại cho VN-Index tới 1,36 điểm. Bên cạnh đó, VRE, VCB, BVH, VNM, CTG… cũng là những mã có tác động tiêu cực đến diễn biến chỉ số chung.

Theo nhận định của BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục có biến động giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong một vào phiên tiếp theo. Áp lực giảm điểm từ các cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 sẽ tạo ra lực cản đối với kỳ vọng tăng điểm của thị trường.

Dù vậy, kịch bản giảm sâu của thị trường cũng khó xảy ra do các nhóm cổ phiếu đang có xu hướng phân hoá mạnh theo thông tin lợi nhuận quý 1 và kế hoạch kinh doanh năm 2019 của từng doanh nghiệp cụ thể. Dòng tiền dự kiến sẽ có sự dịch chuyển luân phiên vào các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận.

Một số ngành như dầu khí, điện, thuỷ sản, công nghệ và một số cổ phiếu bất động sản được kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực trong những phiên tới.

Theo BVSC, mặc dù dư địa hồi phục của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn nhưng khả năng tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này là tương đối khó. Do đó, BVSC cho rằng, đối với các nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao cần tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn.

Chuyên đề