Bối cảnh đặc biệt cần có các giải pháp đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bốn tháng sau chỉ đạo của Chính phủ, cùng với các địa phương trên cả nước, các tỉnh, thành miền Trung thành lập các tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND cấp tỉnh/thành phố làm tổ trưởng. Bước đầu, những khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện, giải quyết mang đến cho doanh nghiệp, nhà đầu tư những hy vọng, tin tưởng vào sự đồng hành, hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ và lãnh đạo các địa phương.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp

Nhận diện khó khăn từ doanh nghiệp

Bước ra khỏi phòng họp UBND tỉnh Quảng Ngãi sau buổi làm việc cuối tháng 8 vừa qua, đại diện Công ty CP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long (tỉnh Vĩnh Phúc) khá hài lòng với kết quả giải quyết của lãnh đạo Tỉnh. “Các kiến nghị về xác định chi phí đầu tư xây dựng các công trình vào xác định giá đất của Dự án Khu đô thị Bàu Giang, vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng đang triển khai tại Quảng Ngãi, trong đó, được khấu trừ đối với 3 cầu qua sông Bàu Giang và kè chống sạt lở bờ sông Bàu Giang khi xác định giá đất theo quy định của Bộ Xây dựng đều được lãnh đạo Tỉnh quan tâm, chỉ đạo xử lý ngay”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, đây chỉ là một trong những dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bất động sản được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sau khi Tổ công tác đặc biệt của Tỉnh trực tiếp làm việc với doanh nghiệp. Trước đó, cuối tháng 6/2023, Tổ công tác đặc biệt tỉnh Quảng Ngãi do ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Tỉnh chủ trì làm việc về chuyên đề năng lượng cũng đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục đầu tư cho một số dự án. “Hầu hết vướng mắc của các dự án lĩnh vực năng lượng đều thuộc thẩm quyền của Tỉnh, các sở, ngành và địa phương liên quan. Tinh thần giải quyết vướng mắc phải hết sức linh hoạt, nhanh chóng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Tỉnh”, ông Đặng Văn Minh chia sẻ.

Bên cạnh Quảng Ngãi, Tổ công tác đặc biệt tỉnh Quảng Nam sau khi được thành lập đã tiến hành rà soát các chuyên đề, ngành nghề ưu tiên tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và vướng mắc của các dự án đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là những ưu tiên giải quyết. Ông Lê Ngọc Thủy, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai (CIZIDCO) cho biết, những nút thắt liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, việc xác định giá trị tiền thuê đất… đã và đang ảnh hưởng đến hàng trăm dự án đầu tư vào các khu công nghiệp mà CIDIDCO quản lý. “Không riêng khó khăn này, mà còn rất nhiều khó khăn khác, CIDICO đã tổng hợp, báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Tỉnh để giải quyết. Nếu vượt thẩm quyền, Tỉnh sẽ kiến nghị đến các bộ ngành trung ương và Chính phủ. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nói chung, Tổ công tác nói riêng là đồng hành, thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp để cùng địa phương phát triển”, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Tỉnh nhấn mạnh.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (bên trái) khảo sát nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu thụ từ các doanh nghiệp tại một hội chợ

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (bên trái) khảo sát nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu thụ từ các doanh nghiệp tại một hội chợ

Giải quyết những khó khăn để hơn 400 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh Bình Định ổn định sản xuất và phát triển cũng đang là nhu cầu cấp bách. Bà Đồng Thị Ánh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Định cho biết, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nhà ở xã hội đang rất khó tiếp cận vốn. Bà Ánh kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện, ban hành thủ tục pháp lý liên quan để chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại Bình Định được tiếp cận chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, từ đó bảo đảm hoàn thành 12.900 căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân đến năm 2025…

Đồng hành từ chính quyền

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, các doanh nghiệp trên cả nước đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Ở thời điểm khó khăn về thị trường, cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi phải xoay xở nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh trên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ở tầm vĩ mô, cần thiết thực hiện cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh; ở phạm vi địa phương, việc Chính phủ chỉ đạo thành lập các tổ công tác đặc biệt là nhằm tiếp cận và tháo gỡ những điểm nghẽn đó, khơi thông dòng chảy cho nền kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ đầu tháng 5 đến nay, loạt các địa phương tại khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Bộ đều thành lập tổ công tác đặc biệt. Tại Bình Thuận, Tổ công tác do ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND Tỉnh làm Tổ trưởng và hơn 20 thành viên. Tại Phú Yên, Tổ công tác do ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên làm Tổ trưởng; Tổ công tác tỉnh Khánh Hòa do ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND Tỉnh làm Tổ trưởng; Quảng Trị do Chủ tịch UBND Tỉnh Võ Văn Hưng làm Tổ trưởng; tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Nguyễn Văn Phương làm Tổ trưởng…

Nhiệm vụ của các tổ công tác là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm đúng trình tự và thời gian; thực hiện rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh để có phương án xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình. Đồng thời, tổ công tác đặc biệt còn có trách nhiệm rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng…

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong những lần làm việc với các sở, ngành địa phương và doanh nghiệp, Tổ công tác yêu cầu cải cách hành chính phải chuyển từ chính quyền hành chính sang phục vụ doanh nghiệp, công khai minh bạch và nhất quán, tập trung tháo gỡ các khó khăn, thực hiện nghiêm các quan điểm định hướng của Trung ương, Chính phủ đối với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

“Việc giải quyết vướng mắc, khó khăn cho DN sẽ ưu tiên theo thứ tự: nhóm doanh nghiệp đang hoạt động gặp khó khăn cần hỗ trợ kịp thời; nhóm doanh nghiệp đang trong quá trình triển khai dự án và nhóm doanh nghiệp đang làm thủ tục đầu tư. Trong 3 nhóm này chia thành các lĩnh vực công nghiệp; du lịch, thương mại - dịch vụ; nông nghiệp; nhà ở, bất động sản, xây dựng kế cấu hạ tầng... Từng lĩnh vực, DN vướng lĩnh vực nào sẽ giao cho các sở, ngành liên quan giải quyết; trường hợp không thể giải quyết được, Tổ công tác sẽ xem xét quyết định”, ông Lê Trí Thanh thông tin. Ông Thanh cũng cho biết, Tỉnh xác định việc hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp như thực hiện một chiến dịch và là nhiệm vụ chính trị hàng đầu nhằm khơi thông các điểm nghẽn với phương châm sớm nhất, hiệu quả nhất quán nhất.

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ gỗ tại Bình Định

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ gỗ tại Bình Định

Cho rằng thời gian là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của một dự án đầu tư, bất kể ở lĩnh vực nào, ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk đặt nhiều kỳ vọng vào những giải pháp đặc biệt từ các tổ công tác đặc biệt. Khi cơ quan chức năng chủ động, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, các dự án triển khai được thông suốt, đạt hiệu quả cao, đem lại công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó, gia tăng niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư với chính quyền.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam mong muốn Tổ công tác đặc biệt với cách làm cũng đặc biệt sẽ giải quyết kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này sẽ mở thêm cơ hội, tạo ra động lực lớn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Vẫn còn quá sớm để đánh giá hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp của các địa phương theo cách đặc biệt, bởi những tháng cuối năm đang trôi qua rất nhanh với bộn bề khó khăn cần được tháo gỡ. Song việc thành lập các tổ công tác đặc biệt đã cho thấy quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Điều này góp phần củng cố niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương trong việc cam kết đồng hành cùng phát triển.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư