BoE giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 21/3, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) quyết định giữ lãi suất ổn định ở mức 5,25%, song đề cập về việc cắt giảm trong thời gian tới khi lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) đã bỏ phiếu với tỷ lệ 8-1 để giữ lãi suất ổn định, trong đó 1 thành viên bỏ phiếu giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 5%.

"Trong những tuần gần đây, chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu tích cực cho thấy lạm phát đang giảm xuống. Chúng tôi tiếp tục giữ lãi suất ở mức 5,25% vì cần chắc chắn rằng lạm phát sẽ giảm trở lại mục tiêu 2% và duy trì ở mức đó. Vẫn chưa đến thời điểm có thể cắt giảm lãi suất, nhưng mọi thứ đang đi đúng hướng", Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết.

Theo dữ liệu mới công bố, lạm phát toàn phần tại Anh giảm nhiều hơn dự báo, xuống mức 3,4% trong tháng 2. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

BoE kỳ vọng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ quay trở lại mục tiêu 2% trong quý II, do trần giá năng lượng hộ gia đình một lần nữa được hạ xuống trong tháng 4 tới.

"Lạm phát CPI thông thường tiếp tục giảm mạnh một phần do các tác động cơ bản và tác động bên ngoài từ giá năng lượng và hàng hóa. Chính sách tiền tệ hạn chế đang tác động lên hoạt động của nền kinh tế thực, dẫn đến thị trường lao động lỏng lẻo hơn và giảm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, các chỉ số về sự dai dẳng của lạm phát vẫn ở mức cao", MPC cho biết trong báo cáo.

MPC khẳng định, chính sách tiền tệ "sẽ cần duy trì hạn chế trong thời gian đủ dài để đưa lạm phát về mục tiêu 2% một cách bền vững trong trung hạn".

MPC cũng cho biết sẽ tiếp tục "theo dõi các dấu hiệu về áp lực lạm phát dai dẳng và khả năng phục hồi của toàn bộ nền kinh tế", bao gồm các điều kiện thị trường lao động, tăng trưởng tiền lương và lạm phát dịch vụ.

Nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý IV/2023 và trải qua 2 năm trì trệ, điều này có nghĩa là BoE đang thực hiện một cuộc cân bằng rủi ro giữa việc chèo lái lạm phát bền vững trở lại mức 2% và tránh đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái kéo dài.

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang cố gắng xác định thời điểm bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ sau 2 năm thắt chặt một cách nhanh chóng, nhằm kiềm chế làn sóng lạm phát toàn cầu.

Ngày 20/3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giữ nguyên lãi suất và duy trì dự báo về 3 lần cắt giảm trong năm nay, với việc Chủ tịch FED Jerome Powell đang tìm kiếm sự xác nhận rằng, lạm phát đang quay trở lại mục tiêu 2% bất chấp một loạt số liệu gần đây "nóng" hơn dự kiến.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư