Bộ Y tế duyệt kết quả 3 gói thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 5/8/2022, Bộ Y tế tổ chức công bố và trao quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của 3 gói thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia sau gần 10 tháng, kể từ thời điểm đóng/mở thầu theo thông báo mời thầu đầu tiên vào ngày 15/10/2021.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tổng giá kế hoạch của các danh mục có đề xuất trúng thầu là hơn 7.630 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 6.292 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá là 17,52% (tương đương với 1.337 tỷ đồng).

Trong đó, Gói thầu số 01 Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Bắc giai đoạn 2022 - 2023 (mã hiệu: ĐTTT.01.2021) lựa chọn được 27 nhà thầu và 84 danh mục có đề xuất trúng thầu. Giá trúng thầu là 2.033 tỷ đồng (giá kế hoạch là 2.458 tỷ đồng).

Gói thầu số 02 Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2023 (Mã hiệu: ĐTTT.02.2021) lựa chọn được 27 nhà thầu và 84 danh mục có đề xuất trúng thầu. Giá trúng thầu là 1.306,7 tỷ đồng (giá kế hoạch là 1.564,2 tỷ đồng).

Gói thầu số 03 Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Nam giai đoạn 2022 - 2023 (Mã hiệu: ĐTTT.03.2021) lựa chọn được 24 nhà thầu và 86 danh mục có đề xuất trúng thầu. Giá trúng thầu là 2.953 tỷ đồng (giá kế hoạch là 3.607 tỷ đồng).

Theo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thuộc Bộ Y tế, thời gian thực hiện các thỏa thuận khung với nhà thầu trúng thầu là hết ngày 31/8/2024. Sau khi Trung tâm ký thỏa thuận khung, các cơ sở y tế sẽ ký kết hợp đồng trực tiếp với nhà thầu trúng thầu. Thời gian thực hiện hợp đồng giữa các cơ sở y tế và nhà thầu là từ ngày 1/9/2022 đến hết ngày 31/8/2024.

Trước đó, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022 - 2023 được khởi động từ tháng 9/2021. Thời điểm đóng/mở thầu theo thông báo mời thầu đầu tiên vào ngày 15/10/2021, sau đó có 6 lần gia hạn và cuối cùng mở thầu vào ngày 28/2/2022. Danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật được phê duyệt vào ngày 22/6/2022. Đến ngày 29/6/2022, Trung tâm tiến hành mở hồ sơ đề xuất tài chính của các nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật.

Sự chậm trễ trong công tác tổ chức đấu thầu đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là một số nguyên nhân như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thiếu nhân sự do cán bộ bị nhiễm Covid-19 hay một số lãnh đạo, cán bộ ngành y tế vướng vào lao lý; do cách hiểu không thống nhất đối với cùng một văn bản pháp luật, mất rất nhiều thời gian để giải trình, làm rõ… Điều này dẫn đến tình trạng thiếu thuốc cục bộ ở nhiều cơ sở y tế. Mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn các sở y tế về việc chủ động nguồn cung, tự mua sắm để phục vụ kịp thời cho nhu cầu điều trị, song không ít đơn vị còn lúng túng, chậm triển khai…

"Việc phê duyệt kết quả này được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở y tế trong cả nước", Lãnh đạo Trung tâm nhận định.

Chuyên đề