Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2024. Ảnh: MPI |
Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng lớn mạnh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số DN phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 930.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183.000 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. “Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng DN, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu”, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho hay, trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, DN đánh giá cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng vượt 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD… Đáng chú ý là sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả đáng khích lệ nêu trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng DN, nhất là DN khu vực tư nhân.
Với tinh thần kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng DN, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho các DN phát triển.
Dẫn kết quả khảo sát về DN gần đây, Bộ trưởng cho biết, tình hình DN đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường. Theo đó, tỷ lệ DN đánh giá “tích cực” về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.
Khẳng định đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, song Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, sự phát triển của đội ngũ DN vẫn còn hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược. Số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Toàn cảnh buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2024 sáng nay 4/10. Ảnh: MPI |
Gợi mở 3 giải pháp lớn đưa DN, doanh nhân Việt lớn mạnh
Khẳng định thành công của doanh nhân, DN cũng là thành công của đất nước, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển DN, tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở 3 định hướng và giải pháp để lực lượng này phát triển lớn mạnh.
Trước tiên, đối với cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng yêu cầu cần tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành cùng DN một cách thực chất, theo tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo: “Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể”. Đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ, không phân biệt các thành phần kinh tế.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường rà soát, sửa đổi ngay các quy định, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, tham vấn chặt chẽ ý kiến cộng đồng DN trong quá trình xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
Khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển DN dân tộc, DN quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ DN và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. “Cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạnh lần thứ 4, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tái cấu trúc DN theo hướng bền vững, sáng tạo. Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, các sản phẩm được phát triển bởi con người Việt Nam, được làm bởi các DN Việt Nam”, Bộ trưởng bày tỏ.
Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và làm việc chuyên nghiệp; có cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường kết nối mạng lưới nhân tài, tri thức người Việt ở trong và ngoài nước.
Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển DN; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tham vấn ý kiến của DN, ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà đối với DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đối với các tổ chức hiệp hội DN, cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho DN hội viên; đẩy mạnh liên kết DN, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh, giúp các DN vượt qua khó khăn, chủ động đón bắt cơ hội mới, xu thế mới.
Đối với cộng đồng DN, tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo. Các DN lớn cần nêu gương đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho DN nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.
“Các doanh nhân, DN cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến”, Bộ trưởng kêu gọi.
Đồng thời, đội ngũ này cần tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; nêu cao tinh thần hợp tác, liên kết giữa các DN Việt nam hướng tới giá trị, lợi ích chung từ nhiều phía; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc.
“Với tất cả những nỗ lực, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng DN và doanh nhân, tôi tin tưởng rằng trong bối cảnh hiện nay doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để cùng nhau xây dựng đất nước tự chủ và hùng cường. Thành công của doanh nhân, DN cũng là thành công của đất nước”, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT tin tưởng.