Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù với TP.HCM đã phát huy hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 10/8/2024, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo 850 và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Thành phố về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố (Nghị quyết số 98).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được xem là nghị quyết đầy đủ, toàn diện với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau. Nghị quyết dựa trên 3 nguyên tắc chính là "khơi thông tối đa các nguồn lực", "phân cấp phân quyền tối đa" và "cho phép thực hiện một số chức năng nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn".

"Đây được xem là đòn bẩy hiệu quả để TP.HCM tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững", Bộ trưởng đánh giá.

Theo Bộ trưởng, qua hơn 1 năm Nghị quyết số 98 có hiệu lực và 6 tháng kể từ Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo, được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện của Thành phố, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, tình hình triển khai Nghị quyết số 98 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Về phía các bộ, ngành đã hoàn thành 8/18 nhiệm vụ, trong đó đáng chú ý là việc ban hành Nghị định về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM và Quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Ngoài ra, các bộ, ngành đã và đang nghiên cứu, phối hợp triển khai 10 dự án, nhiệm vụ lớn: Phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM; Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM; Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố; Dự án Đầu tư mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây...

Về phía TP.HCM, để thực hiện Nghị quyết 98, đến nay Thành phố đã thông qua 35 nghị quyết của HĐND, 33 quyết định của UBND Thành phố và đã hoàn thành 10/25 nhiệm vụ. Thành phố đã bố trí 3.794 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo và đã có hàng chục ngàn lượt khách hàng vay vốn; bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; đã ban hành 23 danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong ngành văn hóa và thể thao...

"Có thể nói, Nghị quyết số 98 đã được triển khai với tốc độ nhanh, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả ngay, đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2024 của TP.HCM", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo 850 và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo TP.HCM về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố sáng 10/8/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo 850 và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo TP.HCM về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố sáng 10/8/2024

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 còn một số tồn tại như một số nhiệm vụ các bộ, ngành còn phối hợp, triển khai chậm, các ý kiến tham gia chưa rõ, chưa kịp thời; một số nhiệm vụ tại Nghị quyết 98 lại được các Bộ, ngành nghiên cứu, áp dụng cho cả nước nên cần thêm thời gian; nhiều đề án, dự án cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng chưa xác định được nguồn vốn để bố trí ngay trong giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, một số chính sách cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong đó, Thành phố cần khẩn trương rà soát quy hoạch đô thị, rà soát quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận xung quanh nhà ga và tuyến Metro số 1, số 2, tuyến Vành đai 3 để thực hiện chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); lựa chọn các dự án để làm thủ tục bố trí từ nguồn tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp…

Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo: Giao các bộ, ngành có liên quan tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn TP.HCM triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 27/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 98 theo đúng thời gian, bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét.

Giao UBND TP.HCM tiếp tục hoàn thiện chính sách nhà đầu tư chiến lược, triển khai cơ chế, định chế tài chính đầu tư (quỹ đầu tư tài chính địa phương), triển khai nội dung tín chỉ carbon, các dự án TOD, phấn đấu sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong năm nay.

Giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, TP.HCM tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, trong đó nghiên cứu các cơ chế chính sách vượt trội, tiếp cận được các mô hình đã thành công trên thế giới báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 11/2024.

Đề nghị Thành phố cần có giải pháp quyết liệt trong 5 tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành dự toán Thủ tướng Chính phủ giao để được áp dụng điều khoản thưởng, đầu tư trở lại theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 98. Đề nghị Thành phố rà soát quá trình triển khai các cơ chế xem còn vướng mắc nào chưa phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội, xác định rõ thẩm quyền xử lý, đề xuất kiến nghị, giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo để xem xét, chỉ đạo xử lý.

Chuyên đề