Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: “Tăng trưởng 6 tháng rất tích cực”

(BĐT) - “Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76% là rất tích cực so với tăng trưởng chung của thế giới và khu vực”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vấn đề này tại Phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra ngày 04/7/2019. Phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương 6 tháng đầu năm 2019  (ảnh: CP)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương 6 tháng đầu năm 2019 (ảnh: CP)

Tại Phiên họp, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Động lực hỗ trợ tăng trưởng cả phía cung và phía cầu, trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển, nông nghiệp dần phục hồi. Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương, người dân và doanh nghiệp”.

Theo Bộ trưởng, nửa đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế đạt khá. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, trong đó, quý I tăng 6,82%, quý II ước tăng 6,71%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng là mức tăng tích cực so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ, cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011 - 2017. “Nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu đã đề ra (6,8%)”.

Ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, trồng trọt bị ảnh hưởng bởi hạn hán, cháy rừng xảy ra ở Miền Trung do thời tiết nắng nóng kéo dài, đối với ngành chăn nuôi, dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra 60 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, do ngành thủy sản tăng trưởng khá, ước đạt 6,45% nên tốc độ tăng GDP toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 2,39%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng tích cực, ước đạt 8,93%, cao hơn dự kiến của kịch bản tăng trưởng đã đề ra (8,88%)….

Đặc biệt, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,29%), là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế, trong đó, cơ cấu tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 33,1% GDP, trong đó, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng và có mức tăng cao nhất, khoảng 43,6%, tăng 16,4%. Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài đăng ký ước đạt 18,47 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng tích cực, ước có gần 67 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt trên 860 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn.

Dự báo về tình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, tăng trưởng kinh tế chậm, thương mại toàn cầu suy giảm, căng thẳng thương mại diễn biến khó lường. Nền kinh tế còn gặp khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm, nhất là cầu thế giới giảm tác động không nhỏ đến xuất khẩu và sản xuất, kinh doanh trong nước.

Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, trong 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, củng cố niềm tin và sự an tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra ở mức cao.

“Quý III là quý rất quan trọng, có tính chất quyết định, với mục tiêu tăng tốc, tốc độ tăng trưởng ít nhất đạt 6,91%, đồng thời duy trì mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững”, Bộ trưởng Dũng lưu ý và cho rằng cần tập trung giải quyết một số vấn đề nhằm phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng; đẩy mạnh xuất khẩu, kịp thời hóa giải những nguy cơ dẫn tới căng thẳng thương mại giữa Việt Nam với các thị trường lớn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công….

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, tư lệnh ngành với trách nhiệm cao nhất, tiếp thu, lắng nghe và xử lý nhanh những vấn đề tồn tại kéo dài.

Tại Phiên họp, đại diện các địa phương: Cần Thơ, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, TP.Hà Nội, Vĩnh Phúc… cũng kiến nghị các giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Chuyên đề