Bố trí vốn cho dự án giao thông trọng điểm: Nhiều địa phương gặp vướng mắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ông Huỳnh Phước Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng cho biết, thực tế triển khai đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua Hậu Giang đang gặp vướng mắc trong việc bố trí ngân sách địa phương này để thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) cho phần dự án thuộc địa phương khác.
Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí vốn cho các dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: Ngọc Tuấn
Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí vốn cho các dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: Ngọc Tuấn

Để gỡ vướng, Sóc Trăng đã kiến nghị Trung ương 2 phương án, với mong muốn sớm được hướng dẫn cách xử lý. Đây là một trong những vướng mắc thực tế mà địa phương gặp phải trong quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm hiện nay.

Dự án thành phần (DATP) 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do tỉnh Sóc Trăng làm Cơ quan chủ quản, có tổng mức đầu tư khoảng 11.961 tỷ đồng (ngân sách nhà nước tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025 là 1.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước còn lại là 10.961 tỷ đồng). Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Sóc Trăng, kế hoạch vốn năm 2023 bố trí cho DATP 4 là 1.500,169 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 946 tỷ đồng, ngân sách địa phương 182,155 tỷ đồng, nguồn sổ xố kiến thiết 209,150 tỷ đồng, nguồn vốn xổ số kiến thiết thu vượt dự toán năm 2021 là 55,925 tỷ đồng, nguồn thu tiền sử dụng đất thu vượt dự toán năm 2021 là 106,939 tỷ đồng. DATP 4 ngoài đoạn qua Sóc Trăng còn có 0,47 km đi qua Hậu Giang và chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) đoạn này tỉnh Hậu Giang cam kết bố trí ngân sách địa phương (16,5 tỷ đồng) để thực hiện.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Phước Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng cho biết, đoạn cao tốc đi qua Hậu Giang đang gặp vướng mắc về cơ chế bố trí vốn cho đoạn 0,47 km trên. Để gỡ vướng mắc, Sóc Trăng đã kiến nghị Trung ương việc sử dụng ngân sách Hậu Giang để chi cho công tác GPMB của DATP 4 do UBND tỉnh Sóc Trăng làm Cơ quan chủ quản. Phương án thứ hai là cho phép sử dụng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện GPMB đoạn 0,47 km cao tốc. Cũng theo ông Sơn, Sóc Trăng rất mong cơ quan chức năng hướng dẫn việc bố trí, sử dụng nguồn vốn này để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.

TP.HCM đang rà soát quỹ đất dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3 khai thác, bán đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

TP.HCM đang rà soát quỹ đất dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3 khai thác, bán đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Tại Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP. HCM (tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng), phần vốn ngân sách trung ương 38.741 tỷ đồng, ngân sách địa TP.HCM và 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đảm trách khoảng 36.637 tỷ đồng. Các địa phương này đã thống nhất chủ trương, cam kết bảo đảm cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương đầu tư các DATP. Tuy nhiên, việc bố trí phần ngân sách các địa phương đang gặp thách thức trong bối cảnh kinh tế suy thoái, thu ngân sách địa phương khó khăn, đặc biệt là nguồn dự thu từ đấu giá đất giai đoạn 2021- 2025 sụt giảm mạnh so với kế hoạch.

Đơn cử, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đồng Nai dự kiến tổng vốn đầu tư hơn 93 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 45 nghìn tỷ đồng thu từ khai thác quỹ đất (chiếm 50% cơ cấu nguồn thu theo kế hoạch). Tuy nhiên, hết năm 2022, nguồn vốn huy động được từ khai thác đấu giá quỹ đất chỉ đạt 5,6 nghìn tỷ đồng. Để đạt kế hoạch, trong 3 năm còn lại, Đồng Nai phải huy động trên 39 nghìn tỷ đồng từ nguồn đấu giá quỹ đất. Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa vượt qua tình trạng ngưng trệ. Theo đó, việc cân đối nguồn ngân sách địa phương Đồng Nai cho các dự án đầu tư công nói chung và 2 dự án Vành đai 3 - TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nói riêng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, DATP 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư hơn 6.012 tỷ đồng. Ngân sách Đồng Nai đảm nhiệm số vốn hơn 2.600 tỷ đồng (tương đương 50% giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng), được bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tới nay, kế hoạch vốn năm 2023 bố trí cho DATP 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 1.224 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (vốn Trung ương), trong đó vốn bố trí cho GPMB là 700 tỷ đồng. Nguồn ngân sách tỉnh ứng trước dự toán ngân sách địa phương năm 2023 được 3 tỷ đồng để thực hiện các gói thầu trong bước chuẩn bị đầu tư. Hiện khái toán bồi thường GPMB của DATP 1 tăng thêm 1.195 tỷ đồng so với quyết định phê duyệt Dự án trước đó và phần ngân sách địa phương Đồng Nai cần cân đối thêm để thực hiện DATP 1 cũng tăng lên.

Theo Bộ Tài chính, tính chung 7 tháng đầu năm, thu nội địa ước đạt 840 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán, giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2022. Đến hết tháng 7, có 9/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 60%), 3 khoản thu không đạt tiến độ dự toán gồm: thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 31,4% dự toán, giảm 38,3% so cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước đạt 56,4% dự toán, giảm 10,9% so cùng kỳ; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 39,9% dự toán, giảm 53,7% so cùng kỳ.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 27/63 địa phương thực hiện thu nội địa 7 tháng đạt trên 60% dự toán; 8/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 55 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Một địa phương khác cũng đang gặp khó khăn là TP. HCM. Địa phương này đang rà soát quỹ đất dọc đường Vành đai 3 - TP.HCM. Theo kết quả sơ bộ, riêng quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý là khoảng 514 ha (chủ yếu là đất trống, đất nông nghiệp). Nếu khai thác bán đấu giá, với đơn giá tại thời điểm hiện nay, ngân sách TP.HCM có thể thu về khoảng 27.000 tỷ đồng và bảo đảm hơn 50% nguồn vốn ngân sách địa phương thực hiện Dự án. Tuy nhiên, công tác đấu giá hiện gặp rất nhiều khó khăn, ngoài nguyên nhân thị trường bất động sản suy giảm thì thủ tục để đưa các khu đất đủ điều kiện ra đấu giá cũng rất rườm rà.

Để thực hiện thành công 1 trong 3 đột phá chiến lược là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế huy động nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn thu khiến nhiều địa phương chưa chủ động được trong bố trí nguồn ngân sách địa phương trong cấu phần nguồn vốn dự án.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm giao thông vận tải cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành chủ động, tích cực và vận dụng linh hoạt để bố trí vốn triển khai các dự án; các địa phương, cơ quan chủ quản đầu tư phải năng động, sáng tạo, không trông chờ, tự vận động, cân đối nguồn lực của mình để tập trung vốn đầu tư các công trình giao thông trọng điểm.

Chuyên đề